Đường dẫn truy cập

TQ và Nga cố tình nhắm mắt làm ngơ trước các giao dịch với Triều Tiên


Đợt cấm vận mới nhất của LHQ áp đặt lên Triều Tiên nếu được thực thi đúng mức, phải có tác dụng đáng kể.
Đợt cấm vận mới nhất của LHQ áp đặt lên Triều Tiên nếu được thực thi đúng mức, phải có tác dụng đáng kể.

Tránh né thực thi các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, và một thị trường chợ đen phát triển mạnh tiếp tục làm giảm tác dụng của các biện pháp chế tài của quốc tế có mục đích làm Triều Tiên thất thu hàng tỉ đôla và thiếu thốn những thiết bị cần thiết cho chương trình hạt nhân của nước này.

Đợt cấm vận mới nhất của LHQ áp đặt lên Triều Tiên trong tuần này sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và những giới hạn áp dụng vào tháng 8 sau nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, kể cả vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), nếu được thực thi đúng mức, phải có tác dụng đáng kể.

Tuy nhiên, ít người mong đợi các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực thi một cách gắt gao vì chế độ Kim Jong Un trở nên khéo léo hơn trong việc né tránh trừng phạt, và các đối tác thương mại của Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, đã toa rập để cho phép tiếp tục những giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên, dù về mặt bề ngoài, vẫn chính thức ủng hộ các biện pháp chế tài.

Phát biểu tại một buổi điều trần của quốc hội Mỹ hôm 13/9, ông David Albright, chuyên gia phân tích vấn đề cần phổ biến hạt nhân thuộc Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, nói:

"Cả Nga và Trung Quốc trong một thời gian dài không phải lãnh chịu hậu quả nào đáng kể khi nhắm mắt làm ngơ, cho phép diễn ra những hoạt động giao thương tấp nập giữa công dân nước họ với dân Triều Tiên.”

Có tin nói rằng để tránh né lệnh trừng phạt và không bị phát hiện, các tàu bị tình nghi vận chuyển than trái phép cho Triều Tiên đã tắt các thiết bị định vị vệ tinh GPS khi đi vào vùng biển Triều Tiên. Hoa Kỳ đã kiến nghị LHQ chặn các tàu bị nghi ngờ chở hàng cấm, nhưng biện pháp này đã được gỡ bỏ để thuyết phục Trung Quốc và Nga ủng hộ lệnh cấm vận của LHQ.

Ông Anthony Ruggiero, cựu viên chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện là một nhà phân tích thuộc Hội Đấu tranh Bảo vệ Dân chủ, mô tả cách mà Triều Tiên và Nga tìm cách che giấu một vụ mua bán dầu hỏa bất chính.

"Một ngân hàng Mỹ sẽ không tiến hành các thủ tục liên quan tới những giao dịch giữa các bên bị trừng phạt. Để tránh bị kiểm soát, các công ty bình phong được thành lập ở Singapore để che giấu bản chất của vụ làm ăn này, cho phép chuyển đi gần 7 triệu đôla cho vụ trao đổi này."

Theo ông Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của CIA, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao của Qũy Heritage, hệ thống thương mại của Triều Tiên bao gồm 5.000 công ty tập trung ở Trung Quốc, do một số cá nhân được tín cẩn điều hành.

Ông Klinger nói:

"Mặc dù các công ty vỏ bọc có thể được thay đổi nhanh chóng, nhưng các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và quản lý chúng vẫn là những người cũ, nhiều người đã làm như vậy trong rất nhiều năm."

Người Trung Quốc nói họ đang thi hành những biện pháp trừng phạt dọc theo biên giới, nhưng không công bố những lệnh giới hạn rõ rệt đối với các công ty, và cũng không báo cáo cách thực thi những vụ thanh sát mọi hàng hoá được đưa sang biên giới Triều Tiên.

Chính quyền của Tổng thống Trump cho biết sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt phụ trội nếu các các biện pháp chế tài của LHQ không được thực thi đầy đủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG