Nhu cầu thịt gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc đang tạo áp lực lên các trại chăn nuôi kiểu cũ, trong khi giới hữu trách ra sức để gia tăng sản lượng đồng thời theo đuổi các mục tiêu bảo vệ an toàn vệ sinh và ổn định giá cả.
Hồi năm 1978 lượng thịt mà người Mỹ tiêu thụ cao gấp 3 lần Trung Quốc. Nhưng đến năm 2011, người tiêu thụ Trung Quốc đã đảo ngược tình hình: họ ăn hết 71 triệu tấn thịt, cao hơn gấp đôi lượng thịt mà người Mỹ tiêu thụ.
Là nước sản xuất và tiêu thụ hơn phân nửa tổng số thịt heo của cả thế giới, Trung Quốc cho đến nay vẫn duy trì tình trạng tự túc hầu như hoàn toàn đối với thịt, với số thịt sản xuất trong nước chiếm tới 97%.
Thay vì nhập khẩu thịt heo, Trung Quốc lâu nay vẫn chọn cách nhập khẩu thức ăn nuôi heo. Trung Quốc đã mua 63% lượng đậu nành được mua bán trên thị trường quốc tế để làm thức ăn gia súc.
Bà Mindy Schneider, nghiên cứu sinh ban tiến sĩ của Đại học Cornell, là người đang nghiên cứu về thị trường nông sản thế giới và phát triển nông nghiệp. Bà cho biết như sau về vấn đề sản xuất thịt ở Trung Quốc.
Bà Schneider cho biết: "Họ không có đủ đất đai để sản xuất thực phẩm gia súc để nuôi gia súc lấy thịt, nhưng họ lại muốn phát triển một khu vực thương mại nông nghiệp có khả năng chế biến, kinh doanh thịt."
Để bắt kịp nhu cầu, Trung Quốc đang thực hiện một sự chuyển đổi cơ cấu của công nghiệp thịt.
Trong năm 2011, chưa tới 1 phần tư số heo ở Trung Quốc được nuôi theo kiểu công nghiệp với hơn 500 con heo ở mỗi nông trại. Phần lớn sản lượng thịt heo ở Trung Quốc đến từ các trại heo qui mô nhỏ. Mục tiêu của Bắc Kinh hiện nay là phát triển qui mô sản xuất bằng cách hỗ trợ cho các trại chăn nuôi lớn và thúc đẩy cho hoạt động quản lý chung của các xí nghiệp cỡ nhỏ.
Các kinh tế gia Trung Quốc đã hô hào cho việc lập ra những xí nghiệp gọi là “xí nghiệp đầu rồng”, là những xí nghiệp lớn dùng những xí nghiệp nhỏ hơn trong giây chuyền cung ứng và hướng dẫn cho những xí nghiệp này về cách thức sản xuất.
Bà Schneider giải thích như sau về kế hoạch này: "Mục tiêu của kế hoạch này là thông qua việc hỗ trợ các công ty lớn và đòi hỏi các công ty này ký hợp đồng với những hộ nông dân để các công ty này dẫn đầu khu vực thương mại nông nghiệp, đồng thời dẫn đầu sự phát triển nông thôn qua việc có trách nhiệm đối với các nông dân sản xuất qui mô nhỏ."
Trong lúc Bắc Kinh ra sức hiện đại hóa khu vực nông nghiệp, các chuyên gia đang tìm hiểu vấn đề thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi nhu cầu thịt đang gia tăng ở Trung Quốc.
Ông Joel Haggard, Phó Chủ tịch đặc trách Á châu Thái bình dương của Liên đoàn Xuất khẩu Thịt Hoa Kỳ, cho biết trước năm 2008 thị trường thịt Trung Quốc hầu như hoàn toàn không liên hệ gì với phần còn lại của thế giới.
Ông Haggard nói: "Những gì xảy ra ở Trung Quốc khi đó không ảnh hưởng gì tới thị trường toàn cầu, và nnhững gì xảy ra trên thị trường toàn cầu không ảnh hưởng gì tới Trung Quốc. Nhưng điều đó đã thay đổi."
Sự sút giảm của lượng cung ứng thịt heo ở Trung Quốc vào năm 2008, một phần vì những vụ bộc phát dịch bệnh, đã làm cho giá thịt heo trong nước tăng mạnh. Trung Quốc đã nhập khẩu một số lượng lớn thịt heo, làm gia tăng giá cả của thị trường toàn cầu.
Về việc này ông Haggard cho biết như sau: "Nếu Trung Quốc tiến vào thị trường và đặt mua thêm 100.000 tấn thịt heo, điều đó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với thị trường. Cho nên những người sản xuất thịt heo trên thế giới sẽ phải chú tâm theo dõi tình hình thị trường Trung Quốc trong vài thập niên tới đây."
Bà Mindi Schneider của Đại học Cornell mới đây đã hoàn tất một cuộc nghiên cứu thực địa về công nghiệp thịt heo Trung Quốc và bà cho biết với sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với công nghiệp trong nước, bà không tin rằng việc các nước trên thế giới ồ ạt tiến vào thị trường thịt Trung Quốc là một việc khôn ngoan.
Bà Schneider nói: "Tôi sẽ rất do dự để khuyên những người khác là hãy nâng cao qui mô sản xuất để có thể bán thịt cho Trung Quốc. Lý do là vì tôi không biết chắc là thị trường Trung Quốc có lớn như sự dự báo của nhiều người hay không."