Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tiếp tục xử các nhà hoạt động chống tham nhũng


Cảnh sát đứng gác trước tòa án, nơi phiên xử ông Triệu Thường Thanh đang diễn ra, 23/1/14
Cảnh sát đứng gác trước tòa án, nơi phiên xử ông Triệu Thường Thanh đang diễn ra, 23/1/14
Trung Quốc tiếp tục tiến hành vụ án chính trị chống lại những nhà hoạt động chống tham nhũng có quan hệ với Phong trào Công dân Mới mà chính phủ đã đàn áp trong khuôn khổ của chiến dịch dẹp tan những chỉ trích trong nước.

Ông Triệu Thường Thanh và bà Hầu Hân sẽ ra trước một tòa án Bắc Kinh ngày hôm nay. Hai người này bị buộc tội “làm rối loạn trật tự công cộng” bằng cách tổ chức những cuộc tụ họp qui mô nhỏ để kêu gọi bình đẳng giáo dục và kêu gọi các giới chức chính phủ tiết lộ tài sản của họ.

Các quan sát viên quốc tế, trong đó có một vài nhà ngoại giao nước ngoài, bị cấm không được tham dự phiên toà. Các nhà báo cũng bị cảnh sát và những nhân viên mặt thường phục đuổi ra xa và quấy nhiễu những người tìm cách tường thuật gần tòa án.

Ông Trương Tuyết Trung, luật sư của ông Triệu gọi phiên xử là “bất hợp pháp trên căn bản.” Tuy nhiên ông nói thân chủ ông không hối tiếc về việc làm của mình.

Luật sư Trương nói ông Triệu đã phát biểu là ngay cả sau nhiều năm quyết tâm làm việc cật lực, dù đó là tiết lộ công khai tài sản của các giới chức hay quyền bình đẳng trong giáo dục, và sau khi đã bị bắt giam hai lần, ông không hối tiếc gì cả.

Ngày hôm qua, người sáng lập Phong trào Công dân Mới, ông Hứa Chí Vĩnh từ chối tự bào chữa trước toà và đã giữ im lặng để phản đối điều ông xem là vụ xử không công bằng.

Hầu như chắc chắn là các nhà hoạt động bị xem như là có tội, vì tòa án do nhà nước Trung Quốc kiểm soát hầu như chưa bao giờ đưa ra phán quyết có lợi cho các bị cáo, đặc biệt trong những vụ án có động cơ chính trị. Nếu bị buộc tội, những nhà hoạt động này có bị kết án đến 5 năm tù giam.

Có tất cả 7 thành viên của Phong trào Công dân Mới bị đưa ra xét xử trong tuần này và tuần tới. Ba người khác bị xử vào tháng 12 năm ngoái, nhưng chưa có phán quyết.

Mặc dù tổ chức này ủng hộ dân chủ và cai trị theo luật pháp, một số ý kiến của họ ít nhất cũng tương tự như những mục tiêu được vạch ra của Đảng Cộng sản là quyết tâm dẹp trừ tham nhũng.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống hối lộ và đã cách chức một vài viên chức cấp trung và cấp thấp bị cáo buộc tham nhũng.

Tuy nhiên Bắc Kinh đã phản ứng một cách giận giữ về ý niệm một chiến dịch chống tham nhũng của công dân. Họ đã bắt giam ít nhất 20 người công khai kêu gọi các giới chức công khai tiết lộ tài sản.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích vụ đàn áp, gây nên phản ứng giận dữ của Bắc Kinh. Ngày thứ Ba vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước ngoài không nên can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Tờ Hoàn cầu Thời báo do nhà nước kiểm soát ngày hôm nay nói ông Hứa không bị xử về quan điểm của ông nhưng vì ông “bày tỏ quan điểm chính trị” qua việc “tụ tập đông người”, “phá hoại trật tư công cộng.”

Hoàn cầu Thời báo, thường phản ánh quan điểm chính thức của nhà nước, đã chỉ trích điều mà họ gọi là “những mưu toan làm hoen ố hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế”. Họ nói rằng Bắc Kinh sẽ không để phương Tây “xía vào những vấn đề nội bộ của Trung Quốc.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG