Trung Quốc hôm thứ Năm 14/11 đã thực hiện thành công thử nghiệm hạ cánh tàu thám hiểm sao Hỏa.
Cuộc thử nghiệm quan trọng diễn ra tại cơ sở không gian ở tỉnh Hà Bắc cho thấy các quy trình đều diễn ra suôn sẻ để sẵn sàng cho sứ mệnh thám hiểm hành tinh Đỏ bằng phi thuyền không người lái dự trù vào năm tới.
Cơ quan Không gian Trung Quốc (CNSA) thực hiện thử nghiệm mô phỏng quá trình bay thăm dò, tránh vật cản và đáp xuống bề mặt sao Hỏa cho tàu đổ bộ. Cuộc thử nghiệm cũng mô phỏng lực hút của sao Hỏa để kiểm tra thiết kế của tàu đổ bộ.
Giám đốc CNSA, ông Zhang Kejian nói với các nhà ngoại giao của các nước được mời đến tham dự cuộc thử nghiệm và truyền thông báo chí rằng Trung Quốc đang trên đường triển khai sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa.
Ông Zhang nói: “Trung Quốc đã chính thức bắt đầu chương trình thám hiểm sao Hỏa vào năm 2016, và cho tới nay mọi quy trình đều diễn tiến suôn sẻ.”
Nhà lãnh đạo CNSA nói rằng cuộc thử nghiệm thành công hôm nay đánh dấu một phần quan trọng của chương trình, và theo dự kiến Trung Quốc sẽ phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa lần đầu tiên vào năm 2020.
Kiến trúc sư trưởng của chương trình thám hiểm sao Hỏa Trung Quốc, ông Zhang Rongqiao cho biết hành trình xuyên vũ trụ sẽ mất khoảng bảy tháng, và quy trình hạ cánh tàu đổ bộ sẽ mất khoảng bảy phút.
Ông Zhang nói tiếp rằng hạ cánh tàu đổ bộ sẽ là giai đoạn khó khăn và thách thức lớn nhất.
Trung Quốc đã chế tạo được tên lửa đẩy Trường Chinh 5 cực mạnh để phóng phi thuyền lên sao Hỏa. Tên lửa Trường Chinh 5 cũng được dự trù sẽ phóng tàu thăm dò Hằng Nga 5 lên mặt trăng vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm tới để thu thập các mẫu đất đá về cho Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã đáp thành công tàu thăm dò Hằng Nga 4 xuống vùng tối của mặt trăng. Đó là thành tựu lịch sử lớn nhất của chương trình thám hiểm không gian của Trung Quốc.
Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba đưa người lên vũ trụ bằng tên lửa của riêng mình sau Liên Xô cũ và Hoa Kỳ.