Trung Quốc vừa khánh thành chiếc cầu dài nhất thế giới vượt đại dương nối đại lục với Hong Kong và Macau, một dấu hiệu mới nhất của việc thắt chặt hơn nữa sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với các lãnh thổ bán tự trị.
Hôm 24/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo của ba thành phố đã cắt băng khánh thành tại thành phố Chu Hải, phía nam Trung Quốc, với màn bắn pháo hoa điện tử trên một màn hình lớn phía sau.
Chiếc cầu dài 55km có một đoạn hầm chui xuyên biển, nối thành phố Chu Hải với trung tâm tài chính Hong Kong và khu sòng bạc Macau ngang qua đồng bằng châu thổ Châu Giang.
Hong Kong và Macau là hai đặc khu hành chính và kinh tế của Trung Quốc.
Việc xây dựng cầu được bắt đầu năm 2009, trải qua nhiều khó khăn như chậm tiến độ, đội vốn, giới quản lý tham nhũng và công nhân thiệt mạng trong lúc quá trình thi công, theo AFP. Tổng kinh phí được ước tính lên đến 20 tỷ USD.
Có ít nhất 10 công nhân đã thiệt mạng trong thời gian 9 năm xây dựng cầu và những người bảo vệ môi trường đưa ra lo ngại khả năng ảnh hưởng không tốt tới những chú cá voi trắng của Trung Quốc đang có nguy cơ tiệt chủng, theo New York Times.
Chiếc cầu nối Chu Hải-Hong Kong-Macau được thông xe chỉ một tháng sau khi Trung Quốc mở tuyến đường sắt cao tốc mới nối Hong Kong với đại lục. Điều này gây thêm lo ngại rằng Bắc Kinh đang dần dần xâm lấn vào sự tự do mà các khu tự trị này đã có theo cơ chế “một quốc gia, hai chế độ” được thiết lập khi Anh trao trả lại quyền kiểm soát cho Trung Quốc vào năm 1997.