Hôm thứ Năm 17/6, 3 phi hành gia Trung Quốc bay lên một trạm vũ trụ chưa lắp ráp xong. Đây là chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 2016. Với chuyến bay này, Trung Quốc gia tăng sự hiện diện của họ trên quỹ đạo gần trái đất, đồng thời thách thức vai trò đầu tầu của Hoa Kỳ trong không gian quỹ đạo.
Các phi hành gia Trung Quốc bay bằng tàu Thần Châu 12 tới module mang tên Thiên Hà, sẽ là khoang sinh hoạt của trạm vũ trụ Trung Quốc. Phi hành đoàn này sẽ sống trên Thiên Hà trong 3 tháng, là quãng thời gian dài nhất trên quỹ đạo thấp quanh Trái đất của người Trung Quốc tính đến nay.
Trạm vũ trụ của Trung Quốc, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, sẽ là trạm duy nhất thay thế cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) do Hoa Kỳ đứng đầu, đã hoạt động hai thập kỷ và có thể ngừng hoạt động vào năm 2024.
Các đối tác chủ chốt tham gia vào ISS là Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, châu Âu và Canada. Nếu ISS ngừng hoạt động, Trung Quốc sẽ là nước duy nhất điều hành một trạm vũ trụ còn đang hoạt động. Điều đó có khả năng mang lại cho Bắc Kinh sức mạnh to lớn hơn trong việc định hình các tiêu chuẩn và quy định trong tương lai đối với không gian gần Trái đất, là nơi vốn đã có đầy các vệ tinh của Trung Quốc.
"Ở giai đoạn hiện tại, chúng tôi chưa xem xét đến việc có các phi hành gia quốc tế tham gia cùng, nhưng việc họ trong tham gia trong tương lai là điều sẽ được đảm bảo", Zhou Jianping, nhà thiết kế trưởng của chương trình không gian có con người của Trung Quốc cho biết.
"Tôi biết rằng nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn của họ về vấn đề này", Zhou nói với các phóng viên nước ngoài tại bãi phóng Thần Châu ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc.
Thần Châu 12 là hoạt động thứ ba trong số 11 hoạt động, 4 cuộc trong số đó sẽ có phi hành đoàn, là điều cần thiết để hoàn thành trạm vũ trụ đầy đủ chức năng đầu tiên của Trung Quốc. Việc xây lắp đã bắt đầu vào tháng 4 với cuộc phóng Thiên Hà, một module dạng hình trụ lớn hơn một chiếc xe buýt một chút.
Các phi hành gia trên Thần Châu 12 là Nie Haisheng, 56 tuổi; Liu Boming, 54 tuổi; và Tang Hongbo, 45 tuổi. Họ sẽ thử nghiệm các công nghệ trên Thiên Hà, bao gồm cả hệ thống hỗ trợ sự sống. Người ta cũng sẽ theo dõi xem họ có ổn không cả về mặt thể chất và tâm lý khi họ sống trong không gian. Sắp tới sẽ có một cuộc phóng nữa lên trạm vũ trụ và hoạt động đó sẽ kéo dài sáu tháng.
Bị luật pháp Hoa Kỳ cấm hợp tác với NASA và tham gia ISS, Trung Quốc đã dành một thập kỷ trở lại đây để phát triển các công nghệ xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình, bên cạnh đó họ còn lập kế hoạch cho các sứ mệnh lên mặt trăng, sao Hỏa và các hành tinh khác.