Trung Quốc tìm cách chống đỡ cho nền kinh tế đang giảm tốc với các kế hoạch hàng tỉ đô la cho dự định cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức yếu nhất trong vòng 30 năm qua do mức cầu nội địa giảm và do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2019 là từ 6,0 đến 6,5%, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói trong phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp quốc hội hàng năm ở Bắc Kinh hôm 5/3. Năm ngoái, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đạt 6,6%.
Các nguồn tin nói với Reuters hồi đầu năm nay rằng Trung Quốc sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019 xuống 6,0-6,5% so với mục tiêu 6,5% đặt ra năm 2018 do mức cầu cả trong nước lẫn toàn cầu sút giảm và mức rủi ro tăng cao từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Phát biểu tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Thủ tướng Lý cảnh báo về những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối mặt và cam kết giữ cho nền kinh tế được an toàn với một loạt biện pháp kích cầu.
“Môi trường mà sự phát triển của Trung Quốc đang đối mặt trong năm nay phức tạp hơn và khắc nghiệt hơn,” người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nói. “Sẽ có nhiều nguy cơ và thách thức hơn và chúng không thể đoán trước được và chúng ta phải hoàn toàn chuẩn bị cho một cuộc chiến khó khăn.”
Chính sách tài khóa của Thủ tướng Lý sẽ trở nên “mạnh mẽ hơn” với kế hoạch cắt giảm thuế, phí lên gần 2 tỷ nhân dân tệ (298,3 tỷ USD).
Những khoản cắt giảm này mạnh hơn so với mức cắt giảm 1,3 tỷ NDT đặt ra trong năm 2018 và bao gồm các khoản cắt giảm nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất, giao thông và xây dựng.
GDP của Trung Quốc giảm tới mức thấp nhất kể từ năm 1990 do cuộc chiến thương mại và việc Bắc Kinh đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát rủi ro tài chính, khiến cho chi phí vay nợ doanh nghiệp tăng và ảnh hưởng không tốt đến đầu tư.
Các nhà nghiên cứu nói rằng động thái này của Bắc Kinh là nhắm tới một phạm vi tăng trưởng GDP thay vì nhắm vào một con số duy nhất, và cho phép các nhà lập pháp cơ hội để hoạch định chính sách. Tuy nhiên kế hoạch tăng kích cầu kinh tế cho thấy một sự công nhận rõ ràng rằng các quan chức vẫn còn lo ngại về mức tăng trưởng.
“Nếu bạn không bị ốm, bạn sẽ không uống nhiều loại thuốc như vậy cùng một lúc,” Iris Pang, kinh tế gia của Trung Hoa Đại lục tại ngân hàng ING Wholesale Banking. “Nó có nghĩa là thách thức vẫn chưa hết, chúng vẫn ở đó.”
Một chiến dịch lâu dài để đối phó với ô nhiễm và các ngành công nghiệp có giá trị thấp cũng làm chậm lại ngành sản xuất rộng lớn của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tăng cường việc tuyên truyền trước kỳ họp quốc hội với việc truyền thông nhà nước đăng tải các video bằng tiếng Anh và thậm chí một bản nhạc rap ca ngợi sự kiện này như một hành động của dân chủ ở nước này, mặc dù quốc hội Trung Quốc chưa bao giờ loại bỏ các bộ luật và các thành viên quốc hội được lựa chọn dựa trên lòng trung thành của họ đối với Đảng Cộng sản.
Cuộc họp hàng năm ở thủ đô Bắc Kinh có sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu từ khắp Trung Quốc trong đó những người đến từ những cộng đồng thiểu số mặc các trang phục truyền thống nhiều màu sắc.
Để hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Lý nói Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao việc tuyển dụng tại các công ty xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi thị trường Mỹ và cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 16% xuống 13% đối với ngành sản xuất. Thuế VAT cho các ngành giao thông và xây dựng sẽ được cắt giảm từ 10% xuống còn 9%.
Trung Quốc dự kiến tạo thêm hơn 11 triệu việc làm mới cho khu vực thành thị trong năm nay và giữ tỷ lệ thuê nhân công ở thành thị ở mức 4,5% theo mục tiêu đã đều ra trong năm 2018. Cùng lúc, Trung Quốc sẽ cắt giảm các khoản phí an ninh xã hội do các công ty chi trả.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và Trung Quốc có vẻ đã tiến gần tới một thỏa thuận thương mại trong đó Mỹ sẽ rút lại những khoản thuế áp lên các mặt hàng Trung Quốc có tổng trị giá ít nhất 200 tỷ USD.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm 4/3 rằng theo ông nghĩ cả hai quốc gia đang “ở đỉnh điểm” để đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai bên.