Một giới chức hàng đầu về chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc cho biết những quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài đang dùng tiền bạc đánh cắp được và luật sư để bảo vệ cho họ. Theo tường thuật của thông tín viên Saibal Dasgupta của đài VOA tại Bắc Kinh, giới chức này cũng bác bỏ mối quan tâm của các tổ chức nhân quyền và những chính phủ được yêu cầu dẫn độ các nghi can Trung Quốc về vấn đề tra tấn.
Hôm thứ Năm vừa qua, tại một cuộc họp báo hiếm hoi ở Bắc Kinh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tham nhũng Quốc gia, ông Lưu Kiến Siêu, nói rằng những thách thức do các nghi can gây ra đã gây trở ngại trong nhiều vụ án, kể cả những nỗ lực để bắt giữ nghi can bị truy nã gắt gao nhất là bà Dương Tú Châu, cựu phó thị trưởng Ôn Châu.
Vụ án Dương Tú Châu được xem là một phép thử quan trọng của chiến dịch mạnh tay mà Trung Quốc phát động hồi gần đây nhằm bắt giữ những giới chức tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Bà Dương bị tố cáo biển thủ khoảng 40 triệu đôla công quỹ, nhưng đang xin tị nạn chính trị ở Mỹ.
Ông Lưu Kiến Siêu nói: “Đây là một trong những vụ án ưu tiên giữa Trung Quốc với Mỹ. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn với các giới chức Mỹ”. Ông nói thêm rằng cả hai nước đều muốn bài trừ tham nhũng.
Hoa Kỳ cũng ủng hộ những nỗ lực chống tham nhũng, nhưng các giới chức chính phủ Mỹ thường tỏ ý nghi ngờ về sự thực thi công lý của hệ thống pháp luật Trung Quốc. Các tổ chức nhân quyền cũng thường xuyên tố cáo các giới chức Trung Quốc sử dụng biện pháp tra tấn để buộc nghi can thú tội nhằm duy trì tỉ lệ kết án hầu như 100% của nước này.
Rất nhiều nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.
Có rất ít nghi can được trả về Trung Quốc
Trung Quốc không thành công cho mấy trong chiến dịch dẫn độ nghi can về nước. Ông Lưu Kiến Siêu nói rằng cho đến nay, chỉ có 18 người trong số 100 người bị nhà chức trách Trung Quốc truy nã gắt gao nhất được trả về nước.
Tuy nhiên, nếu tính cả những nghi can thuộc những diện khác, tổng cộng 800 nghi can đã được giao nộp cho Trung Quốc để đối mặt với công lý. Ông Lưu nói thêm rằng trong số đó có 150 người “đã phạm tội trong lúc nắm giữ những chức vụ trong chính quyền”.
Vụ án của bà Dương Tú Châu còn phức tạp hơn nữa vì bà trốn sang Hà Lan trước, rồi sau đó tới Mỹ, và đang thông qua tòa án di trú để chống lại yêu cầu dẫn độ của Trung Quốc.
Ông Lưu Kiến Siêu nói: “Không hiểu tại sao bà ấy có thể rời Hà Lan. Chúng tôi đã cung cấp tất cả mọi bằng chứng cần thiết về những hoạt động phi pháp của bà ấy cho chính phủ Hà Lan, trước khi bà ấy sang Mỹ”.
Ông Lưu Kiến Siêu cũng cho biết các giới chức Trung Quốc đang tìm cách cắt đứt nguồn tài chánh mà các nghi can trốn sang các nước Tây phương dùng để chi trả cho các dịch vụ pháp lý rất tốn kém. Ông nói rằng những người này dùng tiền bạc thủ đắc bất hợp pháp để chống lại yêu cầu dẫn độ.
Ông nói: “Họ có thể dùng tiền bạc thủ đắc bất hợp pháp để thuê luật sư để bảo vệ cho họ. Đây là một thách thức đối với hệ thống tư pháp và pháp luật. Vì thủ tục pháp lý kéo dài rất lâu, cho nên nước sở tại đã trở thành nơi trốn núp cho các nghi can”. Ông nói thêm rằng: “Trung Quốc luôn tôn trọng luật lệ và thủ tục của nước sở tại, nhưng muốn bảo đảm là nghi can không thể thách thức luật pháp của nước sở tại”.
Một thách thức khác của giới hữu trách Trung Quốc là làm thế nào để các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền tin rằng những nghi can bị dẫn độ sẽ không bị tra tấn để lấy khẩu cung trước khi bị đưa ra xét xử trước tòa án.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Lưu Kiến Siêu nói rằng tất cả những nghi can bị dẫn độ hoặc bị bắt tại Trung Quốc đều không bị tra tấn.
Ông nói: "Đó là đòi hỏi của pháp luật và cũng là cam kết của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi chưa hề nghe nói về vấn đề tra tấn trong tất cả các vụ án của những người đã tự nguyện về nước hoặc được trả về nước".