Nhà thương thuyết hàng đầu của Trung Quốc về Đài Loan đang đi thăm đảo quốc tự trị này để tìm cách duy trì những mối quan hệ tốt đẹp, sau khi Quốc Dân Đảng đương quyền bị thất bại nặng trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương. Thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Đài Bắc.
Ông Trần Đức Minh, nhân vật được Bắc Kinh giao trách nhiệm thương thuyết với Đài Loan, hồi đầu tuần này cho báo chí Đài Loan biết rằng các mối quan hệ sẽ không bị ảnh hưởng bởi kết quả cuộc bầu cử ngày 29 tháng 11.
Các nhà phân tích cho rằng sự chán ngán của cử tri đối với các chính sách về Trung Quốc là một trong các nguyên do làm cho Quốc Dân Đảng bị thất bại nặng trong cuộc bầu cử để chọn những người đứng đầu chính quyền của 9 thành phố và quận huyện.
Kết quả đó có thể làm suy yếu đi thế lực của Quốc Dân Đảng, khiến họ không thể nới rộng thêm nữa 21 hiệp định mà họ ký kết với Trung Quốc từ năm 2008 tới nay.
Ông Hoàng Giới Chính, giáo sư chính trị học của Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, nói rằng chuyến viếng thăm của ông Trần Đức Minh có mục đích làm giảm bớt những mối lo ngại về việc quan hệ giữa đôi bên có thể bị suy sụp. Ông nói:
"Mục đích của nó là chứng tỏ cho người Đài Loan thấy rằng bất kể là bầu cử như thế nào thì tiến trình chính trị nội bộ của Đài Loan là một chuyện. Quan hệ xuyên eo biển quan trọng hơn các cuộc bầu cử. Tôi nghĩ rằng đó là chủ đề chính."
Một nhóm nhỏ những người chống Trung Quốc đã biểu tình khi ông Trần Đức Minh tới Đài Loan hôm thứ ba, và một cuộc phản kháng qui mô nhỏ cũng diễn ra vào ngày thứ tư bên ngoài một địa điểm hội nghị ở Đài Bắc. Sau đó ông Trần Đức Minh đã đến vùng duyên hải miền đông để thăm một công ty công nghệ sinh học của Đài Loan.
Theo dự liệu, nhà thương thuyết này sẽ không ký kết hiệp định mới nào với Đài Loan, và thay vào đó, ông sẽ ra sức tìm hiểu môi trường kinh doanh ở đảo quốc này và đánh giá những yếu tố làm cho Quốc Dân Đảng bị thất bại trong cuộc bầu cử mới đây.
Ông Mã Thiệu Chương, phát ngôn viên của Ủy ban Hoa lục của Đài Loan, cho đài VOA biết rằng ông Trần Đức Minh muốn tìm hiểu thêm về tình hình Đài Loan trong các lãnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học và y tế.
Kết quả của nỗ lực này có thể đưa tới những đề nghị đầu tư từ các công ty Trung Quốc, giúp cho kinh tế Đài Loan phát triển thêm và làm tăng những mối hy vọng của Bắc Kinh về việc tái thống nhất Đài Loan.
Theo tin của hãng thông tấn Trung ương của Đài Loan, ông Trần Đức Minh hôm thứ tư nói rằng các mối quan hệ xuyên eo biển sẽ không thay đổi vì cuộc bầu cử địa phương. Nhưng ông cảnh báo rằng hiệp định mậu dịch tự do mà Trung Quốc sắp ký kết với Nam Triều Tiên có thể bắt đầu có hiệu lực sớm hơn hai năm so với dự kiến trước đây.
Đài Loan và Nam Triều Tiên cạnh tranh ráo riết với nhau trên thị trường quốc tế, vì hai nền kinh tế này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, phần lớn là sang Trung Quốc.
Hãng thông tấn Trung ương cho biết thêm rằng ông Trần Đức Minh thúc giục các nhà lập pháp Đài Loan phê chuẩn một hiệp định tự do hóa thương mại dịch vụ mà chính phủ Đài Loan đã ký với Bắc Kinh hồi giữa năm ngoái, nếu không thì có thể phải đàm phán lại.
Hồi tháng 3 hàng ngàn người đã xông vào chiếm trụ sở Viện Lập pháp Đài Loan và những con đường xung quanh để phản đối hiệp định đó cùng với những mối liên hệ khác với Bắc Kinh. Họ e rằng Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng kinh tế để đưa Đài Loan tới chỗ thống nhất với Trung Quốc dựa trên các điều kiện của Bắc Kinh, một việc mà các cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy là có sự chống đối của 70% dân chúng Đài Loan.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ ba cho biết Đài Loan muốn mua ít nhất hai chiếc tuần dương hạm từ Hoa Kỳ. Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã chấp thuận kế hoạch bán cho Đài Loan 4 chiếc tuần dương hạm, sau khi kế hoạch này được Hạ viện chấp thuận hồi tháng tư. Trung Quốc phản đối kế hoạch này, nhưng Đài Loan nói rằng họ cần tăng cường khả năng tự vệ vì Trung Quốc chưa từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan trong trường hợp cần thiết.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu muốn có những hiệp định thương mại với Trung Quốc để hỗ trợ cho nền kinh tế của nước ông. Trước khi ông Mã lên nắm quyền vào năm 2008, Đảng Dân Tiến thuộc phe đối lập đã làm cho Bắc Kinh tức giận vì họ theo đuổi chủ trương là Đài Loan nên chính thức tách khỏi Trung Quốc để độc lập. Đảng này đã giành được 7 ghế thị trưởng và huyện trưởng trong cuộc bầu cử ngày 29 tháng 11.