Hôm 2/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc “kiên quyết” phản đối một sáng kiến thương mại mới giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, một kế hoạch mà chính phủ ở Đài Bắc cho biết là sự công nhận vị trí quan trọng của hòn đảo này trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo Reuters.
Hoa Kỳ và Đài Loan vừa công bố Sáng kiến Thương mại Thế kỷ 21 Hoa Kỳ-Đài Loan vào ngày 1/6, vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đưa hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố họ nắm chủ quyền ra khỏi kế hoạch kinh tế tập trung vào châu Á nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong (Gao Feng) phát biểu: “Hoa Kỳ nên xử lý một cách thận trọng các quan hệ kinh tế và thương mại với Đài Loan để tránh gửi một thông điệp sai lầm tới những người ly khai Đài Loan”.
Bắc Kinh phản đối bất kỳ hình thức liên lạc chính thức nào giữa Đài Loan và các nước khác, bao gồm đàm phán và ký kết bất kỳ thỏa thuận kinh tế và thương mại nào “mang ý nghĩa chủ quyền và mang tính chất chính thức”, ông Gao nói trong một cuộc họp trực tuyến.
Đài Loan vui mừng với sáng kiến này, coi đây là một dấu hiệu hỗ trợ nữa từ Washington và hy vọng nó có thể mở đường cho việc Đài Loan sau này tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) của Tổng thống Biden, được công bố vào tuần trước.
Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) nói trong cuộc họp nội các hôm 2/6 rằng hòn đảo này “có một vị trí quan trọng không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.
Ông Tô nói điều này “khiến chính phủ Hoa Kỳ nhận ra rằng họ phải tăng cường liên kết kinh tế và thương mại với đất nước của chúng tôi để củng cố khả năng phục hồi và an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu”.