Trung Quốc cử cố vấn kinh tế hàng đầu và cũng là một chính trị gia đang lên, dẫn đầu phái đoàn hùng hậu nhất từ trước đến nay tới dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos trong tuần này.
Theo các nhà phân tích, hơn 130 thành viên sẽ tháp tùng ông Lưu Hạc tới dự hội nghị kinh tế toàn cầu, nơi dự kiến ông sẽ phác thảo tầm nhìn của Trung Quốc về nền kinh tế thế giới năm 2018. Theo dự kiến, ông Lưu sẽ khuyến cáo Washington về nguy cơ của một cuộc chiến tranh thương mại.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự hội nghị Davos hồi năm ngoái, ông nói về tầm quan trọng của toàn cầu hoá vào thời điểm Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền tại Hoa Kỳ.
Lúc đó, ông Tập cảnh báo rằng "một cuộc chiến tranh thương mại chỉ có hại cho cả hai bên."
Một số nguồn tin cho rằng thông điệp trong năm nay cũng không khác mấy. Tuy nhiên lần này, mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại dường như đã trở thành một thực tế chứ không còn là một mối lo.
Ông Tao Ran, một nhà kinh tế học và cũng là nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Brookings, nhận định:
"Tôi nghĩ điều mà ông Lưu sẽ làm là cố thuyết phục Hoa Kỳ đừng áp đặt thêm các biện pháp thương mại với Trung Quốc. Đó là điều khẩn cấp nhất dể làm".
Tổng thống Trump từ lâu cam kết sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc và các nước xuất khẩu khác mà ông cho là cạnh tranh không công bằng với các nhà sản xuất Mỹ, tuyên bố đó bây giờ hình như đã chuyển sang hành động. Hôm thứ Hai 22/1, chính phủ Mỹ áp đặt thuế xuất cao đối với các tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt. Tuần trước, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, rằng Hoa Kỳ đang cân nhắc biện pháp trừng phạt nghiêm khắc Trung Quốc về cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ.
Dự kiến thời gian tới năm 2018, sẽ có thêm biện pháp cứng rắn từ chính quyền ông Trump.
Trong năm qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã nỗ lực làm việc với nhau trên hồ sơ Triều Tiên, và tìm cách giải quyết những khác biệt về thương mại nhưng bây giờ - theo một số nhà phân tích- chính sách của ông Trump dường như cứng rắn hơn, bớt hợp tác hơn.
Bắc Kinh đã nhiều lần cam kết sẽ cải cách và mở cửa nền kinh tế Trung Quốc khi ông Tập Cận Bình giành được nhiệm kỳ thứ hai tại Đại hội Đảng lần thứ 19 hồi cuối năm ngoái.
Nhưng mặt khác, ông Tập cũng đề cập tới việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước, mối quan tâm từ lâu của Hoa Kỳ, vừa được nêu lên hồi cuối tuần trước trong một phúc trình thường niên về mức độ Trung Quốc tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay nói đúng hơn, là những vụ vi phạm của Trung Quốc.
Phúc trình này có đoạn viết:
"Trung Quốc quyết tâm duy trì vai trò lãnh đạo của nhà nước trong nền kinh tế, tiếp tục theo đuổi những chính sách công nghiệp thúc đẩy, hướng dận và hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa trong khi cùng lúc, tích cực cản trở, gây bất lợi và làm tổn hại các đối tác nước ngoài".
Những gì xảy ra trong tuần này tại Davos có thể là chìa khóa để xác định hướng đi trong những ngày tới. Không như năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dự các cuộc họp ở Davos.
Các nhà phân tích tài chính sẽ chăm chú theo dõi những gì ông Lưu Hạc nói tại hội nghị này.
Ngoài chức vụ cố vấn kinh tế hàng đầu, ông Lưu còn là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và là nhân vật được trông đợi sẽ sớm được cất nhắc vào vị trí Phó Thủ tướng đặc trách tài chính và kinh tế. Cũng có những đồn rằng ông Lưu có thể thay thế ông Chu Tiểu Xuyên trong vai trò Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.