Đường dẫn truy cập

TQ: 31 người chết trong vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương


Cảnh sát vũ trang Trung Quốc gần hiện trường vụ nổ bom tại Urumqi, Tân Cương, ngày 22/5/2014.
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc gần hiện trường vụ nổ bom tại Urumqi, Tân Cương, ngày 22/5/2014.
Ít nhất 31 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công vào một khu chợ ở thủ phủ tỉnh Tân Cương của Trung Quốc hay xảy ra các biến động. Giới truyền thông nhà nước Trung quốc nói 2 chiếc xe đã tông vào một khu chợ, cán người và ném chất nổ vào đám đông. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Bill Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Vụ tấn công xảy ra sáng hôm nay vào lúc nhiều người đang đi mua rau quả tại một khu chợ ngoài đường trong khu phố của phần lớn người Trung Quốc ở thủ phủ Urumqi.

Các hình ảnh do các nhân chứng đăng trên mạng cho thấy quang cảnh hỗn loạn với các xác người trên đường phố và các ngọn lửa do các vụ nổ gây ra.

Truyền thông Trung Quốc nói những kẻ tấn công đã lái hai chiếc xe hơi, tông qua hàng rào kim loại và đâm vào các đám đông người mua bán buổi sáng.

Một cư dân địa phương sống trong một khu phố ngay trước chợ nói bà đã bị những tiến động lớn đánh thức dậy. Khi ra ngoài, bà nói nhiều người lặng đi vì sợ hãi. Những người chứng kiến kể với bà rằng 2 chiếc xe đã đi qua lại con đường và ném bom.
Bản đồ Urumqi, Tân Cương, ngày 23/5/2014.
Bản đồ Urumqi, Tân Cương, ngày 23/5/2014.

Nhà chức trách chưa cung cấp chi tiết về những gì đã xảy ra cho những kẻ tấn công, nhưng gọi đây là một hành động khủng bố. Các vụ đánh bom này là sự cố quan trọng thứ ba xảy ra ở Trung Quốc trong mấy tháng vừa qua. Cuối tháng trước, một vụ đánh bom vào nhà ga xe lửa ở Urumqi đã làm 3 người chết và 79 người bị thương.

Bất chấp một cuộc trấn áp khủng bố tiến hành trên toàn quốc và an ninh đươc tăng cường tại các nhà ga xe lửa ở Tân Cương và trên khắp nước, vẫn tiếp tục xảy ra các vụ tấn công.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói:

"Chính phủ Trung Quốc tin tưởng và có khả năng chống khủng bố.”

Ông nói các phần tử khủng bố 'đầy ngạo mạn và các âm mưu của bọn chúng sẽ không đạt được thành quả'.

Khu vực Tân Cương miền tây Trung Quốc là nơi sinh cư của nhiều người Uighur, một nhóm sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo ở Trung Quốc. Chính phủ đã quy lỗi cho các phần tử khủng bố cực đoan người Uighur về ít nhất 2 vụ tấn công mới đây, một vụ hồi tháng trước ở Urumqi và một vụ tấn công đẫm máu bằng dao hồi đầu tháng 3.

Tân Cương lâu nay vẫn là nơi xảy ra những vụ bạo động sắc tộc và căng thẳng giữa khối dân đa số người Hán và khối thiểu số người sắc tộc Uighur.
Cảnh sát phong tỏa con đường gần hiện trường vụ nổ bom ở Tân Cương, ngày 22/5/2014.
Cảnh sát phong tỏa con đường gần hiện trường vụ nổ bom ở Tân Cương, ngày 22/5/2014.

Người Uighur thường than phiền về những chính sách đàn áp tôn giáo và văn hóa của chính phủ trong vùng này. Vào lúc Bắc Kinh siết chặt gọng kìm kiểm soát trong năm ngoái, tiến hành điều họ gọi là một vụ trấn át khủng bố, đã xảy ra thêm nhiều sự cố bạo động, dường như lan tràn ra khỏi cả Tân Cương.

Chính phủ nói các phần tử khủng bố đứng sau vụ tấn công ở Quảng trường Thiên An Môn hồi cuối năm ngoái, và gần đây hơn tại các nhà ga xe lửa ở Côn Minh và Urumqi.

Trung Quốc đã quy trách những vụ tấn công ở nhà ga xe lửa cho một nhóm gọi là Ðảng Hồi giáo Turkestan TIP. Nhóm này đã đăng những video trên mạng ca ngợi vụ tấn công ở nhà ga xe lửa, và kêu gọi dân chúng ở Tân Cương tham gia vào cuộc thánh chiến jihad chống lại chính phủ Trung Quốc.

Ông Rohan Gunaratna, nghiên cứu về khủng bố tại trường Ðại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, tin rằng TIP cũng có thể đứng sau vụ tấn công hôm nay.

“Không có nhóm nào có kỹ năng hoạt động và ý muốn tổ chức một cuộc tấn công ở quy mô này tại Tân Cương hơn là Ðảng Hồi giáo Turkestan.”

Ðáp lại vụ bạo động này, nhà cầm quyền Trung quốc đã tăng cường an ninh ở Tân Cương cũng như ở các nhà ga xe lửa và các trung tâm chuyển chở khác của các thành phố khắp Trung Quốc.

Ông Gunartna nói an ninh vật chất và hoạt động không thôi là chưa đủ. Theo ông, Trung Quốc còn cần tăng cường các khả năng tình báo nữa.

“Trung Quốc cần huy động thêm các nguồn lực ở Tân Cương và xâm nhập Ðảng Hồi giáo Turkestan, nếu không thì sẽ rất khó khai triển được tình báo có chất lượng cao.”

Ông Gunaratna nói thêm rằng trong khi Hoa Kỳ rút dần ra khỏi Afghanistan, mối đe dọa khủng bố đối với Trung Quốc có cơ nguy gia tăng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng nói các tổ khủng bố được huấn luyện ở Pakistan đã tổ chức các hành vi bạo động ở Tân Cương với ý đồ chia rẽ đất nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG