Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý tăng cường đối thoại, một động thái có thể cho là một sự khai thông trong quan hệ đã băng giá lâu nay giữa các nền kinh tế lớn hàng thứ hai và thứ ba trên thế giới.
Hôm nay Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hai bên đã đồng ý “dần dà nối lại cuộc đối thoại chính trị, ngoại giao và an ninh,” và “thực hiện các nỗ lực xây dựng sự tin cậy chính trị lẫn nhau.” Trung Quốc không nói khi nào và ở cấp bậc nào cuộc đối thoại sẽ diễn ra.
Thỏa thuận đạt được trong một cuộc họp ở Bắc Kinh giữa Ủy viên Nhà nước Dương Khiết Trì và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi.
Hai bên cũng thừa nhận có “những ý kiến khác nhau” về một vụ tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông, và đồng ý “thiết lập các cơ chế quản lý khủng hoảng” để giúp hạ giảm căng thẳng.
Thông cáo không nói liệu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sẽ hội kiến hay không, như nhiều người đồn đoán, trong cuộc họp thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác châu Á Thái Bình Dương tuần tới ở Bắc Kinh.
Nhưng ông Tomohiko Taniguchi, một cố vấn của Thủ tướng Abe, nói với đài VOA rằng một cuộc hội kiến như thế “gần như là chắc chắn” sẽ diễn ra sau thỏa thuận hôm nay, mà ông nói có thể là dấu hiệu của quan hệ nồng ấm hơn.
Ông Taniguchi nói: “Tôi nghĩ điều người ta có thể suy đoán và có phần ngày càng chắc hơn là bên lề các cuộc họp APEC vào tuần tới, hai ông Tập Cận Bình vả Abe sẽ có cơ hội trao đổi những cái bắt tay hay những nụ cười, chủ yếu kéo dài dịp chụp ảnh chung.
Ông nói thêm: “Liệu sự kiện này có thể dẫn tới một cuộc đối thoại mang nhiều thực chất hơn giữa hai chính phủ và giữa hai vị nguyên thủ vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhưng nói về một cuộc gặp gỡ, bất kể dưới hình thức nào, giữa ông Tập và ông Abe, tôi nghĩ gần như chắc chắn sẽ diễn ra.”
Trung Quốc và Nhật Bản mới chỉ có sự giao tiếp ngoại giao ở cấp thấp trong những tháng vừa qua, mặc dầu đã có những dấu hiệu cho thấy hai bên sẵn sàng dần dà cải thiện quan hệ.
Từ nhiều tháng Nhật Bản đã vận động cho một cuộc họp trực diện giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình. Một cuộc gặp như thế đã chưa diễn ra kể từ khi hai nhà lãnh đạo lên nhậm chức.
Một trong những trở ngại kéo dài đối với quan hệ song phương là việc Nhật Bản từ chối thậm chí không thừa nhận là có một tranh chấp về những hòn đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Chưa rõ ngay liệu Nhật Bản có nhượng bộ về vấn đề này để bảo đảm cho thỏa thuận hôm nay hay không. Ông Taniguchi cho rằng xét về ngôn từ của thỏa thuận theo như tường thuật của truyền thông nhà nước Trung Quốc, thì có phần chắc là Nhật Bản không có một thỏa hiệp nào như thế.
Nhưng ông Kerry Brown, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của trường Đại học Sydney nói với đài VOA rằng dù sao thỏa thuận cũng tiêu biểu cho một “bước tiến tới khá quan trọng” trong vụ tranh chấp biển đảo.
Ông Brown nói: “Tôi nghĩ có lẽ đó không hẳng là một nhượng bộ to lớn trong ý nghĩa là Nhật Bản tìm cách nói rằng ‘Được rồi, chúng tôi sẽ dành cho Trung Quốc một phần đất.’ Có lẽ họ tìm cách nghĩ ra một cách theo đó cuối cùng họ phải giải quyết những vấn đề này mà không đối phó với vấn đề chủ quyền, mà vào lúc này có lẽ không thể giải quyết được.”
Từng là một nhà ngoại giao Anh ở Bắc Kinh, ông Brown nói cả Trung Quốc và Nhật Bản dường như đều nhận ra rằng tình trạng hiện thời của mối quan hệ không thể bền vững được. Ông nói thời điểm của thỏa thuận hôm nay khiến có nhiều phần chắc ông Tập Cận Bình và ông Abe sẽ gặp nhau vào tuần tới.
Ông đặt câu hỏi: “Nếu nó không dẫn tới một cuộc hội kiến, thì sẽ có cảm giác thất vọng. Nói khác đi, thì nó sẽ lấp lửng ở đó và mục đích chính trị của nó là gì? Tôi nghĩ nó khiến tôi giả dụ rằng sau đó họ sẽ thực sự họp song phương và tìm cách nói ra quan điểm của họ về mối quan hệ là gì vào lúc đó.”