Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nền kinh tế lớn nhất và gây ô nhiễm carbon lớn nhất trên thế giới, hôm 21/9 công bố các biện pháp tài chính riêng biệt về ứng phó với biến đổi khí hậu, theo AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết đất nước của ông sẽ không còn tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, gây ngạc nhiên cho thế giới về vấn đề khí hậu trong năm thứ hai liên tiếp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Phát biểu của ông Tập diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố kế hoạch tăng gấp đôi viện trợ tài chính cho các quốc gia nghèo hơn với hỗ trợ lên đến 11,4 tỷ đô la vào năm 2024 để các quốc gia đó có thể chuyển sang năng lượng sạch hơn và đối phó với tác động ngày càng nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu. Đây là một nỗ lực giúp các quốc gia giàu có tiến gần tới mục tiêu như đã hứa từ lâu nhưng chưa thành hiện thực là trợ giúp khí hậu cho các quốc gia đang phát triển với kinh phí 100 tỷ đôla/năm.
Các chuyên gia cho biết điều này có thể tạo ra một số động lực để tiến tới các cuộc đàm phán lớn về khí hậu ở Glasgow, Scotland, trong vòng chưa đầy sáu tuần nữa. Ngay sau thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, một thỏa thuận chung giữa Mỹ và Trung Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán thành công. Lần này, giữa lúc mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ đang gặp trở ngại, hai quốc gia đã đưa ra những thông báo riêng biệt.
“Hôm nay là một ngày thực sự tốt cho thế giới”, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson, người sẽ chủ trì các cuộc đàm phán về khí hậu sắp tới, nói với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, người đã thúc đẩy những nỗ lực lớn hơn trong tuần này nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu, nhận định rằng hai thông báo trên là tin đáng mừng, nhưng cho biết “chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước” để cuộc họp ở Glasgow thành công.