Đường dẫn truy cập

Trung Quốc đã không thể xâm lược Việt Nam năm 1979 nếu…


Một nghĩa trang quân đội Trung Quốc từ cuộc chiến biên giới 1979 với Việt Nam.
Một nghĩa trang quân đội Trung Quốc từ cuộc chiến biên giới 1979 với Việt Nam.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ


Nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam diễn ra từ 17/2 đến 16/3/1979, nhiều người cho rằng cuộc chiến đó là tất yếu. Vì Trung Quốc phải phá gọng kìm của Liên Xô bao vây Trung Quốc sau khi Việt Nam ký một hiệp ước đồng minh quân sự với Liên Xô vào tháng 11/1978. Vì Trung Quốc phải giải cứu đồng minh Khme đỏ sau khi quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh vào đầu tháng 1/1979 trong một phản kích. Vì Trung Quốc muốn chứng minh Trung Quốc kiên quyết chống sự bành trướng của Liên Xô trong khu vực để từ đó thuyết phục Mỹ và các nước phương Tây khác giúp thực hiện “Bốn hiện đại hóa” thông qua đầu tư tư bản và công nghệ... Thế nhưng, theo quan điểm của người viết bài này, cuộc xâm lược ấy của Trung Quốc sẽ không xảy ra nếu ban lãnh đạo Việt Nam thống nhất có sự hiểu biết đúng về bản thân và nhất là về Mỹ để không bỏ lỡ bình thường hóa quan hệ với siêu cường này ngay sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Mỹ tiến hành Chiến tranh Việt Nam là nhằm thực hiện Học thuyết Domino do Tổng thống Eisenhower đề xướng trong một cuộc họp báo ngày 7/4/1954, ba tuần sau khi trận Điện Biên Phủ nổ ra và đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho quân Pháp. Theo học thuyết này, Đông Dương của Pháp thất thủ trước cộng sản sẽ tạo ra một hiệu ứng Domino hay sụp đổ dây chuyền trên toàn Đông Nam Á, đồng nghĩa Miến Điện, Thái Lan, Indonesia cũng sẽ rơi vào tay cộng sản. Các quân Domino tiếp theo sẽ là Nhật Bản, Đài Loan, Philippines rồi Australia, New Zealand. Ông nhấn mạnh: “Nhật Bản sẽ hoặc mất đi một vùng đất để buôn bán hoặc sẽ hướng đến phía cộng sản để có thể sống còn”. Để ngăn chặn sự sụp đổ dây chuyền này, Mỹ phải can thiệp quân sự. Tóm lại, Học thuyết Domino là học thuyết chống cộng sản.

Năm 1964, để cứu Việt Nam Cộng hòa khỏi sụp đổ trước sự tấn công của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc dựng lên và hậu thuẫn, Tổng thống Johnson quyết định đưa quân chiến đấu vào Nam Việt Nam. Ngày 8/3/1965, vói việc bốn tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, Chiến tranh Việt Nam chính thức bắt đầu. Tuy nhiên chỉ sau 3 năm chiến tranh, nhất là sau cuộc tổng tấn công của cộng sản vào Tết Mậu Thân 1968, chính quyền của Tổng thống Johnson, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, người được mệnh danh “Kiến trúc sư trưởng của Chiến tranh Việt Nam”, trước hết, nhận ra rằng những người cộng sản Việt Nam chiến đấu vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước hơn là vì ý thức hệ, nghĩa là họ tiến hành một cuộc chiến dân tộc chủ nghĩa chứ không phải là cuộc chiến cộng sản chủ nghĩa do Liên Xô và Trung Quốc lãnh đạo. Trong hồi ký “Nhìn lại quá khứ” xuất bản 20 năm sau Chiến tranh Việt Nam, McNamara thừa nhận chính quyền Mỹ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi “hoàn toàn đánh giá thấp khía cạnh dân tộc chủ nghĩa trong phong trào Hồ Chí Minh”. Trên thực tế, Nguyễn Ái Quốc, sau này là Hồ Chí Minh, tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp vào năm 1920 là vì, theo như ông nói, “các đại biểu của Quốc tế Thứ 3 hứa sẽ giúp các dân tộc thuộc địa đang bị áp bức giành lại tự do và độc lập” trong khi “các thành viên của Quốc tế thứ 2 không nói một từ về số phận của các vùng thuộc địa". Sau khi tuyên cáo Việt Nam Độc lập vào ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh, với tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà phụ thân người viết bài này, Cù Huy Cận, là Bộ trưởng thành viên, cũng nói với Thiếu tá Archimedes L.A Patti, chỉ huy OSS (tình báo quân sự Mỹ) tại miền Bắc Việt Nam rằng ông theo chủ nghĩa Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và xin gia nhập Đệ Tam Quốc tế vì đây là những cá nhân và tổ chức duy nhất quan tâm đến vấn đề thuộc địa.

Khi nhận thức được rằng Mỹ không thể thắng trong Chiến tranh Việt Nam khi đối đầu với chủ nghĩa dân tộc của người Việt thay vì đối đầu với chủ nghĩa cộng sản, cuối tháng 2/1968 McNamara từ chức Bộ trưởng quốc phòng. Một tháng sau, Johnson tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 1968-72 và đề nghị mở thương thuyết với Hà Nội để chấm dứt chiến tranh. Điều này có nghĩa một cuộc triệt thoái quân Mỹ khỏi Nam Việt Nam, mà hệ quả có thể nhìn thấy trước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ thâu tóm lãnh thổ này, cũng không tự động dẫn đến cộng sản hóa toàn bộ Đông Nam Á. Tóm lại, sự thù địch của chính quyền Mỹ đối với những người cộng sản Việt Nam với tư cách kẻ thù ý thức hệ đến đây chấm dứt, kéo theo sự kết thúc Học thuyết Domino. Nixon sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ cuối 1968 chỉ cố gắng làm sao để Mỹ rút quân trong danh dự, nghĩa là không mang tiếng đột ngột bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa. Nỗ lực này được thể hiện bằng chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” mà nội dung là chuyển trách nhiệm tiến hành chiến tranh cho Việt Nam Cộng hòa.

Nhận thức của chính quyền Mỹ theo đó cuộc chiến của những người cộng sản Việt Nam không phải là cuộc chiến ủy nhiệm của chủ nghĩa cộng sản được củng cố bởi xung đột Xô – Trung mà đỉnh cao là các trận đánh đẫm máu ở biên giới giữa hai nước trong năm 1969. Hơn thế nữa, chính quyền Nixon thấy xung đột giữa hai cường quốc cộng sản là cơ hội để Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”. Các cuộc đàm phán do Mỹ chủ động tiến hành với Trung Quốc và tiếp đó với Liên Xô vào nửa đầu năm 1972 nhằm mục tiêu này đã thành công. Cả Trung Quốc lẫn Liên Xô đều ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa thay vì thành lập chính phủ liên hiệp ở miền Nam Việt Nam. Sức ép này có thể thấy rõ qua việc báo chí Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa thời kỳ đó đăng tải các bài bình luận nhấn mạnh rằng thời đại các nước lớn áp đặt ý muốn cho các nước nhỏ đã qua rồi.

Do không còn coi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thù địch nên chỉ một năm sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, chính quyền Mỹ đã chấp nhận đề nghị bình thường hóa quan hệ từ ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Ngày 7 tháng 5 năm 1976, Tổng thống Ford đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ tạm ngưng cấm vận Việt Nam trong sáu tháng để tạo điều kiện cho đối thoại giữa hai nước. Ngày 8 tháng 5 năm 1976, Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger gửi công hàm cho Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, đề nghị thảo luận vấn đề bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Về phần mình, Tổng thống Carter còn mong muốn việc bình thường hóa này như là một phần của quá trình hàn gắn vết thương cho nước Mỹ. Khác với người tiền nhiệm, khi gửi một phái đoàn sang Hà Nội vào tháng 3/1977 để thực hiện mục tiêu này, Carter chỉ thị không đặt MIA (Tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh) làm điều kiện tiên quyết.

Ngược lại với realpolitik – chính sách cầu thị của chính quyền Mỹ, ban lãnh đạo Việt Nam thống nhất do say men chiến thắng đã đặt một điều kiện vô lý cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Họ đòi Mỹ phải trả 3,25 tỷ đô-la để tái thiết Bắc Việt Nam sau chiến tranh mà Tổng thống Nixon đã cam kết trong công hàm ngày 1/2/1973 gửi Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng. Vô lý là vì cam kết này được đưa ra trong khuôn khổ Điều 21 của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris ngày 27/1/1973 trong khi Hiệp định này mặc nhiên không còn giá trị khi Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm Dinh Độc Lập, xóa sổ Việt Nam Cộng hòa, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Vì lý do đã rõ, Mỹ từ chối yêu cầu này của ban lãnh đạo Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là nếu quan hệ Việt – Mỹ được bình thường hóa vào năm 1977 thì liệu Trung Quốc có xâm lược Việt Nam vào năm 1979. Câu trả lời là không theo quan điểm của người viết bài này.

Vấn đề thời hậu chiến đối với Việt Nam là phục hồi kinh tế. Bình thường hóa quan hệ với Mỹ đồng nhất với chấm dứt cấm vận kinh tế của Mỹ. Điều này nếu xảy ra chắc chắn sẽ giúp phục hồi kinh tế miền Bắc cũng như phát triển kinh tế miền Nam một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Kinh tế Việt Nam sau khi Mỹ bỏ cấm vận kinh tế vào năm 1994 là bằng chứng đầy thuyết phục. Với một kịch bản như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ không phải phụ thuộc vào viện trợ của Liên Xô và Đông Âu để tái thiết đất nước cũng như để bảo đảm đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Khme đỏ ở biên giới Tây Nam.

Do kịch bản nói trên đã không xảy ra nên Việt Nam buộc phải tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế (Comecom) do Liên Xô lãnh đạo vào tháng 6/1978 và ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô trong đó hai bên cam kết “làm hết sức mình để củng cố hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới” vào tháng 11/1978. Chính những động thái “Xô viết hóa” này của Việt Nam đã dẫn tới việc Mỹ cấp tốc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, điều đã xảy ra vào ngày 1/1/1979, để tạo lập một liên minh không chính thức chống Liên Xô và “hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới”. Cũng cần nói thêm rằng Mao Trạch Đông chẳng những chống Liên Xô mà còn phủ nhận “hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới” khi đưa ra “Thuyết ba thế giới” (Thế giới thứ nhất gồm các siêu cường, cụ thể là “Đế quốc Mỹ” và “Đế quốc xã hội” Liên Xô. Thế giới thứ hai gồm các cường quốc phát triển. Thế giới thứ ba gồm các nước bị bóc lột).

Chính trên căn bản chống Liên Xô và “hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới” mà Đặng Tiểu Bình đã đi Mỹ vào cuối tháng 1/1979 để bàn việc Trung Quốc đánh Việt Nam. Tại cuộc bàn thảo này, Đặng nói rõ là Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam như một cách chống lại sự bành trướng của Liên Xô trong khu vực. Chính thức thì Mỹ khuyên Trung Quốc không nên đánh Việt Nam, thể hiện qua một lá thư tay của Tổng thống Carter gửi cho Đặng. Trên thực tế thì Mỹ ủng hộ cuộc xâm lược của Trung Quốc khi đồng ý cung cấp thông tin vệ tinh về hoạt động của quân đội Liên Xô dọc biên giới Xô - Trung và các thông tin tình báo khác. Sau khi chiến sự diễn ra, Cố vấn an ninh quốc gia Brzezinski mỗi buổi chiều gặp đại sứ Trung Quốc Sài Trạch Dân để chuyển giao các thông tinh tình báo này.

Tóm lại, nếu Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1977 thì sẽ không có chuyện Việt Nam ký hiệp ước đồng minh quân sự với Liên Xô và như vậy Trung Quốc sẽ không có cớ để thuyết phục được Mỹ ủng hộ Trung Quốc đánh Việt Nam với tư cách xung kích của “Đế quốc xã hội Liên Xô” trong khu vực. Mà không có sự ủng hộ của Mỹ thì chắc chắn Trung Quốc không đủ tự tin để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Cũng như vậy, cho dù nhu cầu cứu nguy cho đồng minh Khme Đỏ ở Căm Pu Chia có thúc bách, Trung Quốc sẽ không dám tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn chống Việt Nam nếu quan hệ Việt – Mỹ đã được bình thường hóa. Thực vậy, Mỹ luôn chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, kể cả trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam mang màu sắc ý thức hệ. Điều này có nghĩa trong thời hậu Chiến tranh Việt Nam, lý thuyết Domino không trước thì sau sẽ được phục hồi với nội dung mới là ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm Đông Nam Á. Với tâm thức đó, Mỹ chắc chắn sẽ phản đối một cuộc chiến tranh như vậy của Trung Quốc, điều này tất làm chậm tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước mà Trung Quốc coi là cốt tử cho chương trình hiện đại hóa của họ. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ không dại gì đánh đổi tương lai của bản thân để lấy sự tồn tại của Khme Đỏ.

Bài học rút ra là một quan hệ ngoại giao, và hơn thế nữa, một quan hệ đồng minh quân sự thiết lập với Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam tránh được, hay chí ít đánh bại các cuộc xâm lược, bất luận trên đất liền hay trên biển, được phát động bởi một Trung Quốc không ngơi tham vọng lãnh thổ.

Ghi chú: Tác giả là một nhà bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị Việt Nam, đã ba lần khởi kiện Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về các quyết định trái Hiến pháp và pháp luật.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG