Đường dẫn truy cập

Dượng của ông Kim Jong Un đến Trung Quốc để thảo luận về kinh tế


Ông Jang Song Taek, người dượng đầy thế lực của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un
Ông Jang Song Taek, người dượng đầy thế lực của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un
Ông Jang Song Taek, người dượng đầy thế lực của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đang có mặt tại Trung Quốc trong tuần này để thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại. Tại một cuộc họp hôm nay, hai nước đồng ý xúc tiến thêm các biện pháp hướng tới việc mở các khu công nghiệp dọc theo biên giới chung. Các chuyên gia phân tích cho rằng chuyến đi với các chặng dừng tại các tỉnh Cát lâm và Liêu Ninh ở biên giới đông bắc Trung Quốc là dấu hiệu đất nước nghèo khó này đang tìm cách mở cửa nền kinh tế. Từ Bắc Kinh thông tín viên đài VOA gửi về bài tường thuật do sau đây.

Ông Tạ Ðào, nhà khoa học chính trị tại trường Ðại học Ngoại giao Bắc Kinh cho hay trong khi thân phụ của ông Kim Jong Un vẫn do dự không muốn theo chân Trung Quốc tiến tới cải cách kinh tế, thì nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên đang đi theo một đường hướng khác.

Theo ông Tạ Ðào, cảm tưởng của ông Kim Jong Un là cung cách cai trị của thân phụ ông đặt quân đội lên hàng đầu là điều có thể chỉ làm cho Bắc Triều Tiên cô lập. Do đó ông ta nghĩ ông ta muốn duy trì chế độ độc tài về mặt chín htrị, nhưng về mặt kinh tế thì muốn cải cách và cởi mở.

Ông Tạ Ðào nói điều mà Bắc Triều Tiên đang làm hiện nay tương tự với những gì mà cựu lãnh tụ Ðặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã làm, nghĩa là dùng một nền kinh tế cởi mở để duy trì tính chất hợp pháp của chính phủ.

Tân Hoa Xã loan tin hai bên đã ký các hiệp định hôm nay có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các ủy ban quản lý giúp phát triển các khu kinh tế, một tại Rason, một cảng nước ấm ở duyên hải đông bắc Bắc Triều Tiên, và một trên các đảo trong vùng sông Yalu dọc theo biên giới chung giữa hai nước.

Các hiện định bao gồm những chi tiết như việc cung cấp điện, và hợp tác kinh tế nông nghiệp.

Một thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng việc phát triển trên các hòn đảo trong vùng sông Yalu sẽ tập trung vào các khu vực thông tin và du lịch. Tại Ðặc khu Kinh tế Rason, trọng điểm sẽ nhắm vào các nguyên vật liệu, chế tạo thiết bị, sản phẩm kỹ thuật cao.

Trong một báo cáo trước đó hôm nay, thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Kiện, cho hay Bắc Kinh sẽ hỗ trợ cho các công ty Trung Quốc muốn đầu tư ở Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên lệ thuộc nặng vào Trung Quốc về mặt hỗ trợ kinh tế. Các chuyên gia phân tích ước tính kim ngạch mậu dịch giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã tăng mạnh từ khoảng 300 triệu đôla vào năm 1999 lên tới hơn 3 tỷ đôla trong mấy năm vừa qua.

Các chuyên gia phân tích nói Trung Quốc lâu nay đã dành sự hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên vì lo ngại một sự sụp đổ nghiêm trọng của nền kinh tế Bắc Triều Tiên có thể châm ngòi cho một làn sóng di dân nước này tràn qua biên giới.

Nhưng theo ông Tạ Ðào, giúp đỡ Bắc Triều Tiên mở cửa nền kinh tế cũng có những rủi ro. Ông Tạ Ðào cho rằng Trung Quốc muốn thấy một nước Bắc Triều Tiên độc tài đảng trị và cởi mở về kinh tế có các quan hệ lạnh nhạt với Hoa Kỳ và các nước trong vùng. Ông Tạ nói nếu Bắc Triều Tiên xúc tiến các biện pháp lớn mở cửa nền kinh tế thì động lực đó có thể thay đổi.

Ông Tạ Ðào cho rằng một khi phát triển kinh tế, sẽ có nhiều phần chắc hơn cho một cuộc đối thoại với Hoa Kỳ.

Theo chuyên gia này, mặc dù Trung Quốc có vốn thặng dư và đang mưu tìm thêm lợi nhuận, chung cuộc nếu muốn hòa nhập vào cộng đồng quốc tế thì không thể tham dự cuộc chơi mà không có Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG