Một chính quyền địa phương ở Nội Mông, Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa và di dời địa điểm một khu công nghiệp hóa chất sau khi xảy ra những vụ biểu tình chống ô nhiễm trong nhiều tuần lễ. Lệnh được ban hành ngay sau khi công an mở một cuộc trấn át ồ ạt mà theo một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ đã khiến hàng chục người biểu tình bị thương và một người thiệt mạng.
Trong một thông cáo, chính quyền Nãi Man Kỳ ở Nội Mông cho biết ngoài việc ra lệnh cho tất cả các công ty thuộc khu công nghiệp ngưng mọi hoạt động, một cuộc điều tra cũng sẽ được tiến hành đối với Công ty Hóa chất Thông Liêu Long Thạnh.
Công ty này chưa bình luận về cuộc điều tra, nhưng đây không phải là lần đầu tiên vấn đề chất thải từ khu công nghiệp đã là một nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực.
Năm ngoái, một bản tin điều tra của đài truyền hình nhà nước CCTV đã nêu bật những mối quan ngại của cư dân địa phương về việc nước thải từ khu công nghiệp tác động như thế nào đến môi trường địa phương và đời sống của dân làng ở gần đó.
Đáp lại, Bộ Môi trường Trung Quốc đã phạt nhà máy xử lý nước thải của khu công nghiệp hồi tháng 12 về việc thải nước bất hợp pháp và nêu tên công ty Thông Liêu Long Thạnh cùng 2 công ty hóa chất khác, theo một thông cáo đăng trên mạng. Thông cáo nói thêm rằng các hoạt động tại khu công nghiệp sẽ không được tiếp tục cho đến khi nào các vấn đề môi trường được giải quyết và hoàn tất việc cải thiện.
Người biểu tình đã tụ tập từ nhiều tuần lễ ở Nãi Man phản đối khu công nghiệp nói rằng nước thải từ nhà máy được tuôn thẳng vào đất ruộng. Một cư dân địa phương nói với Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông rằng “một số dân làng đã bị bệnh và tỷ lệ xảy thai tăng vọt nơi phụ nữ có bầu” ở đó.
Cư dân này nói thêm: “Gia súc của chúng tôi bị nhiễm độc đến chết và rau cỏ không ăn được.”
Tổ chức nhân quyền này nói khi công an trấn dẹp người biểu tình, 100 người đã bị thương và một người thiệt mạng vào lúc hơn 1.000 dân làng xung đột với 2.000 cảnh sát chống bạo động. Tổ chức này cũng nói có 50 người bị bắt giữ sau các cuộc xung đột.
Không tiếp xúc được với các giới chức an ninh và bệnh viện ở Nãi Man Kỳ để ghi nhận lời bình.
Chính quyền Nãi Man Kỳ cho biết những người chận đường vào khu công nghiệp, đập phá xe hơi và kích động bạo lực sẽ được xử lý theo luật định. Nhà chức trách chưa xác nhận có bao nhiêu người bị thương hay thiệt mạng trong các vụ xung đột hay có bao nhiêu người đã bị bắt giữ.
Truyền thông nhà nước chủ yếu giữ im lặng về những vụ xung đột, nhưng trên mạng truyền thông xã hội nhiều người đã lên tiếng ủng hộ và quan ngại cho người biểu tình. Một số người nói ngay cả nếu như khu công nghiệp được dời đi nơi khác, thì cũng chỉ có nghĩa là những làng xã khác sẽ phải đối mặt với cùng các vấn đề như thế.
Nhiều người nêu ra rằng thêm vào việc đóng cửa nhà máy, nhà chức trách cần phải tiếp tục các cuộc điều tra và bồi thường cho những người bị tác động bởi vấn đề ô nhiễm.
Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ nghiêm trị những người gây ô nhiễm và đã nhiều lần thừa nhận những mối quan ngại ngày càng tăng của công chúng về cái giá cao đối với môi trường mà đất nước phải trả cho việc bành trướng kinh tế mau chóng. Nhưng cũng y như tình huống ở Nãi Man Kỳ, nhiều người lo ngại rằng nhà chức trách sẽ tiếp tục đặt lợi ích doanh nghiệp và phát triển lên trên những quan ngại của cư dân địa phương.
Mặc dầu nhà chức trách đã ngưng không báo cáo về con số các “sự cố tập thể,” hay những cuộc biểu tình, mà Trung Quốc chứng kiến hàng năm, con số này liên tục gia tăng và những cuộc biểu tình về ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên phổ biến.