Đường dẫn truy cập

Trung Quốc dịu giọng với Đài Loan giữa căng thẳng về dự luật của Mỹ


Du Chính Thanh, chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), phát biểu trong phiên khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3 tháng 3, 2018.
Du Chính Thanh, chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), phát biểu trong phiên khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3 tháng 3, 2018.

Trung Quốc muốn thắt chặt tình hữu nghị với Đài Loan, nhân vật cao cấp thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát biểu, một ngày sau khi truyền thông nhà nước cảnh báo Trung Quốc có thể đi đến chiến tranh với Đài Loan nếu một dự luật của Mỹ thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với hòn đảo này trở thành luật.

Trung Quốc đã phẫn nộ về dự luật này, nói với Đài Loan hôm thứ Sáu rằng hòn đảo này sẽ chỉ rước họa vào thân nếu tìm cách dựa vào nước ngoài, trong khi truyền thông nhà nước thì cảnh báo về nguy cơ chiến tranh.

Dự luật này, giờ chỉ cần chữ kí của Tổng thống Donald Trump để trở thành luật, nói rằng Mỹ cần có chính sách cho phép quan chức các cấp được đến Đài Loan để gặp gỡ những người tương nhiệm Đài Loan, cho phép quan chức cao cấp của Đài Loan được nhập cảnh Mỹ "dưới các điều kiện thể hiện sự tôn trọng" và gặp gỡ các quan chức Mỹ.

Du Chính Thanh, quan chức cao cấp thứ tư của Đảng Cộng sản, đưa ra những phát biểu hòa dịu hơn trong phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc mà ông làm chủ tịch, và ông không nhắc gì đến dự luật này.

"Chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn tình đoàn kết và tình hữu nghị với đồng bào của chúng ta ở Hong Kong, Macau và Đài Loan cũng như người Hoa ở nước ngoài," ông Du phát biểu trước khoảng 2000 đại biểu đến dự hội nghị ở Bắc Kinh.

Cơ quan này sẽ "huy động mọi người con của đất nước Trung Hoa để cùng phấn đấu vì những lợi ích quốc gia lớn hơn và hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa," ông Du nói thêm, nhắc tới khát vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là đưa một nước Trung Quốc cường thịnh về địa vị đúng đắn của mình trên trường quốc tế.

Hong Kong là một vấn đề gây phiền não cho giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là sau khi học sinh sinh viên tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kéo dài hàng tuần vào cuối năm 2014 để thúc đẩy dân chủ trọn vẹn.

Những thành viên của một nhóm ủng hộ Đài Loan độc lập tuần hành cùng với những người ủng hộ Trung Quốc trong một cuộc tập hợp, 6 ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 14 tháng 5, 2016.
Những thành viên của một nhóm ủng hộ Đài Loan độc lập tuần hành cùng với những người ủng hộ Trung Quốc trong một cuộc tập hợp, 6 ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 14 tháng 5, 2016.

Các nhà hoạt động trẻ ở Hong Kong và Đài Loan đã khiến Bắc Kinh bực tức trong những năm gần đây bằng việc thúc đẩy quyền tự trị lớn hơn hoặc thậm chí độc lập, và bằng việc tổ chức các cuộc biểu tình chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hong Kong và Macau trước đây là những tiền đồn thuộc địa của Châu Âu và đã được trao lại cho Trung Quốc cai quản từ những năm 1990.

Thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan đã gia tăng kể từ khi bà Thái Anh Văn, ứng cử viên Đảng Dân Tiến chủ trương ủng hộ độc lập, đắc cử tổng thống vào năm 2016.

Trung Quốc nghi ngờ bà Thái muốn thúc đẩy độc lập chính thức, vượt qua lằn ranh đỏ đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, dù nhà lãnh đạo Đài Loan đã nói rằng bà muốn duy trì hiện trạng và cam kết đảm bảo hòa bình.

Bắc Kinh coi đảo Đài Loan dân chủ là một tỉnh li khai và một phần không thể tách rời của "Một nước Trung Hoa" nên không đủ tư cách theo đuổi quan hệ nhà nước với nhà nước, và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để quy phục hòn đảo này về dưới quyền kiểm soát của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG