Hoa Kỳ đang đánh đòn đau vào Trung Quốc bằng cách áp đặt các hạn chế đối với hãng viễn thông khổng lồ Huawei, nhưng việc Bắc Kinh kiểm soát nguồn cung đất hiếm cho toàn cầu, vật liệu để làm điện thoại thông minh và ô tô điện, giúp Trung Quốc có một vũ khí mạnh trong cuộc chiến công nghệ đang leo thang.
Trong tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm một công ty đất hiếm của Trung Quốc. Chuyến thăm dường như diễn ra theo thường lệ được nhiều người xem như một lời đe dọa rằng Bắc Kinh đang sẵn sàng hành động.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có vẻ còn e ngại, chưa đi theo hướng đó, có thể họ sợ “gậy ông đập lưng ông” vì làm như vậy sẽ thúc đẩy các nước trên thế giới nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Trung Quốc hiện chiếm vị trí đầy quyền uy, sản xuất hơn 95% đất hiếm trên thế giới, và Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc với lượng nhập khẩu là hơn 80%.
Đất hiếm là 17 nguyên tố quan trọng để sản xuất mọi thứ, từ điện thoại thông minh và TV cho đến máy ảnh và bóng đèn.
Song Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có trữ lượng lớn đất hiếm.
Năm ngoái, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới lên đến 120 triệu tấn, bao gồm 44 triệu ở Trung Quốc, 22 triệu ở Brazil và 18 triệu ở Nga.
Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu một phần vì một số quốc gia e ngại về các rủi ro môi trường trong việc khai thác trữ lượng của chính họ. Khai thác đất hiếm sinh ra chất thải độc hại, có thể kèm theo cả các chất thải phóng xạ có hại.
"Không loại trừ khả năng là Trung Quốc sẽ hạn chế xuất xuất khẩu, nhưng xem ra những gì chúng ta đang thấy hiện nay chỉ là một dạng đe dọa", Kokichiro Mio, nhà nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu NLI, nói.
"Mỹ sẽ gặp rắc rối trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng có phần chắc là Trung Quốc không muốn đổ dầu vào lửa", bà Mio nói thêm.
Li Mingjiang, điều phối viên chương trình vềTrung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) tại Singapore, nhận định rằng việc chặn xuất khẩu đất hiếm sang Hoa Kỳ sẽ đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ, nhưng đó không phải một việc Trung Quốc dám làm.
"Sự khác biệt là Mỹ đang nhắm mục tiêu vào các công ty cụ thể của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nhắm vào cả nước Mỹ ... điều đó có thể bị Mỹ và thế giới coi là sự leo thang đáng kể của cuộc chiến thương mại", ông nói.
(Bangkok Post, South China Morning Post)