Đường dẫn truy cập

Trung Quốc có thể xem xét lập thêm căn cứ quân sự ở nước ngoài


Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, ngày 1/8/2017.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, ngày 1/8/2017.

Trung Quốc và Djibouti, một quốc gia nhỏ bé ở châu Phi, hồi tháng 7 đã đạt thoả thuận cho phép Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Căn cứ quân sự trên bờ biển phía đông của Châu Phi sẽ giúp Trung Quốc vận chuyển hàng cứu trợ và nhân viên gìn giữ hòa bình đến các vùng khác của châu Phi, theo trang mạng tin tức của China Daily.

Căn cứ này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận quân sự chung và duy trì "sự an toàn của các tuyến đường thủy quốc tế có tính chiến lược."

Đây chỉ là một căn cứ và theo dự kiến Bắc Kinh sẽ không theo chân Hoa Kỳ để mở căn cứ quân sự tại 16 quốc gia trên khắp Châu Á, Châu Âu và các khu vực khác.

Nhưng chúng ta nên chờ đợi sẽ có thêm một số căn cứ quân sự Trung Quốc khác trên thế giới. Bắc Kinh có khả năng mở thêm các căn cứ quân sự bên bờ biển phía Đông Châu Phi, cũng như dọc theo Ấn Độ Dương và Biển Ả rập. Các căn cứ này có thể có nhiều chức năng hơn so với những gì tờ China Daily nói, đặc biệt là bảo vệ công dân Trung Quốc ở hải ngoại và đảm bảo các tuyến đường thủy tại khu vực Tây Á vẫn thông thoáng để tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho các mặt hàng quan trọng, như dầu thô.

Trung Quốc vẫn chưa loan báo việc thành lập thêm căn cứ quân sự nào khác ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson tại thủ đô Washington, nói tại thời điểm này Bắc Kinh có thể đang cân nhắc một sự hiện diện quân sự tại các cảng hiện đang do Trung Quốc quản lý dọc theo Ấn Độ Dương.

Còn Sri Lanka thì sao? Hãng tin Al Jazeera và các cơ quan truyền thông khác cho biết vào tháng 7, cơ quan quản lý cảng biển của Sri Lanka đã đồng ý bán 70% cổ phần thuộc cơ sở cảng ở quận Hambantota cho Công ty China Merchants Ports Holdings. Hoặc như Myanmar: các hãng tin cho biết một tập đoàn Trung Quốc đang đấu thầu mua 85% thị phần cảng biển Ấn Độ Dương của Myanmar với đường ống dẫn dầu nối với Hoa lục.

Tháng 4, chính phủ Pakistan cho biết các cơ sở tại Cảng Gwadar đã được công ty Trung Quốc China Overseas Port Holding Co. thuê trong thời hạn 40 năm. Trung Quốc có quan hệ thân thiện với Pakistan giữa lúc cả hai nước đều quan tâm về mối quan hệ với Ấn Độ. Vào tháng 3 năm nay, một phái đoàn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham gia các sự kiện Ngày Quốc khánh hàng năm của Pakistan.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo cho Quốc hội: "Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự phụ trội ở các nước có quan hệ thân thiện lâu dài và lợi ích chiến lược tương tự như Pakistan, và trong đó có tiền lệ để đóng quân ở nước ngoài."

Ông Sun nói các cảng ở Myanmar, Pakistan và Sri Lanka, dọc theo Ấn Độ Dương hoặc Biển Ả Rập, sẽ bắt đầu như những hoạt động thương mại với "các tiện ích hải quân tiềm năng."

Ít nhất là cho đến bây giờ, Trung Quốc chỉ điều quân ra nước ngoài trong tư cách là một phần của Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Trung Quốc đưa lực lượng này ra nước ngoài vì những mục đích riêng, như chống cướp biển và học hỏi từ các nước khác.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Hoa Kỳ nói: "Như các nước khác, quyết định của Trung Quốc đưa quân đội ra nước ngoài là để bảo vệ các lợi ích quốc gia, thu thập thêm kinh nghiệm để hoạt động, và bảo đảm uy tín cũng như nâng cao vị thế của mình."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG