Đường dẫn truy cập

Trung Quốc cấm BBC World News, Hong Kong bỏ phần radio của BBC


Biển hiệu của đài BBC tại văn phòng của họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 12/2/2021.
Biển hiệu của đài BBC tại văn phòng của họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 12/2/2021.

Hôm thứ Sáu 12/2, Trung Quốc cấm kênh tin thế giới BBC World News của Anh trong các mạng lưới truyền hình của Trung Quốc. Cùng ngày, hãng phát thanh truyền hình công cộng của Hong Kong cho biết họ sẽ ngừng tiếp sóng kênh phát thanh Thế giới vụ của BBC (BBC World Service), một tuần sau khi Anh thu hồi giấy phép phát sóng đối với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.

Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc cho biết các phóng sự của BBC World News về Trung Quốc đã “vi phạm nghiêm trọng” điều khoản đòi hỏi phải “trung thực và công bằng”, làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và làm suy yếu đoàn kết dân tộc.

Trong khi đó Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (RTHK), cơ quan phát thanh truyền hình được cấp tiền từ công quỹ ở lãnh thổ cũ của Anh, cho biết họ tạm ngừng tiếp sóng các chương trình tin tức của đài BBC.

BBC, một công ty đại chúng, nói rằng họ là "đài phát thanh truyền hình đưa tin quốc tế đáng tin cậy nhất trên thế giới” và họ “đưa tin về tình hình thời sự ở khắp nơi trên thế giới một cách công bằng, khách quan và không sợ hãi hay thiên vị".

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gọi lệnh cấm của Trung Quốc là "sự hạn chế tự do truyền thông không thể chấp nhận được", đồng thời nói thêm rằng “Trung Quốc là nước có một số hạn chế đối với quyền tự do truyền thông và internet thuộc diện nghiêm trọng nhất trên toàn cầu, và bước đi mới nhất này sẽ chỉ càng làm tổn hại đến tiếng tăm của Trung Quốc trong con mắt của thế giới mà thôi”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại London đáp trả bằng một tuyên bố chát chúa: “Việc BBC không ngừng bịa đặt ra ‘những lời nói dối tầm cỡ thế kỷ’ trong việc đưa tin về Trung Quốc là đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp của báo chí, đồng thời là tiêu chuẩn kép và có thành kiến về ý thức hệ”.

“Cái gọi là ‘tự do truyền thông’ chẳng qua là cái cớ và vỏ bọc để tung ra những thông tin sai lệch và vu khống chống lại các quốc gia khác”, vẫn lời của Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh.

Hôm thứ Năm 11/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ned Price, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng “thật đáng lo ngại là (Trung Quốc) hạn chế các cơ quan và các mạng báo chí, cản trở họ hoạt động tự do ở Trung Quốc, trong khi các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh lại sử dụng môi trường truyền thông tự do và cởi mở ở nước ngoài để quảng bá cho thông tin sai lệch”.

Trong tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ “lo ngại sâu sắc” sau khi có bài phóng sự của BBC về các vụ cưỡng hiếp và xâm hại tình dục có hệ thống đối với phụ nữ trong các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.

Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc về tình trạng xâm hại ở Tân Cương và nói rằng bài phóng sự "hoàn toàn không có cơ sở thực tế".

Hôm 4/2, cơ quan quản lý truyền thông Ofcom của Anh đã thu hồi giấy phép của Mạng Truyền hình Hoàn cầu Trung Quốc (CGTN) sau khi một cuộc điều tra cho thấy giấy phép do Star China Media Ltd. đứng tên, và như vậy là sai luật.

Trung Quốc nói quyết định đó mang tính chính trị và phía Trung Quốc bảo lưu quyền đưa ra "sự đáp trả cần thiết".

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG