Đường dẫn truy cập

Trung Quốc cách chức một quan chức kinh tế cấp cao


Ông Tưởng Khiết Mẫn bị loại khỏi chức Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Quốc gia vì bị nghi có những sai phạm kỷ luật nghiêm trọng, một cụm từ thường được dùng để nói tới hành vi tham ô.
Ông Tưởng Khiết Mẫn bị loại khỏi chức Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Quốc gia vì bị nghi có những sai phạm kỷ luật nghiêm trọng, một cụm từ thường được dùng để nói tới hành vi tham ô.
Giới hữu trách Trung Quốc đã cách chức một giới chức kinh tế cấp cao trong một diễn tiến được nhiều người xem là một chiến dịch rầm rộ nhằm bài trừ tệ nạn tham nhũng. Các nhà phân tích chính trị cho rằng việc cách chức ông Tưởng Khiết Mẫn, người từng đứng đầu cơ quan giám sát các doanh nghiệp nhà nước, cũng là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm gia tăng sự kiểm soát đối với các công ty do nhà nước hậu thuẫn. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc cho biết ông Tưởng Khiết Mẫn bị loại khỏi chức Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Quốc gia vì bị nghi có những sai phạm kỷ luật nghiêm trọng, một cụm từ thường được dùng để nói tới hành vi tham ô.

Quyết định cách chức này được đưa ra hai ngày sau khi nhà chức trách loan báo ông Tưởng bị điều tra và trong lúc có 4 quan chức cao cấp của Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) bị điều tra.

Trước đây, ông Tưởng Khiết Mẫn từng giữ chức chủ tịch của CNPC và của PetroChina, công ty con của CNPC. Ông đã tuần tự thăng chức trong công nghiệp dầu khí quốc doanh Trung Quốc từ hai mươi năm qua.

Ông Trình Lập, giáo sư chính trị học của Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết những biện pháp nhắm vào ông Tưởng Khiết Mẫn và các quan chức cao cấp ngành dầu khí là dấu hiệu cho thấy chính phủ đang tìm cách kiểm soát các công ty quốc doanh để thực hiện những biện pháp cải cách nghiêm túc về kinh tế.

"Các quan chức hàng đầu của những công ty quốc doanh có nhiều thế lực này có thể nói là những ông vua của vương quốc độc lập. Họ bị nhắm làm mục tiêu. Nên những vụ án này có thể tạo ra một tác dụng răn đe mà giới lãnh đạo hy vọng có thể giúp họ dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy cải cách. Kế hoạch cải cách có lẽ là nhắm tới việc giảm thiểu đặc quyền của khu vực nhà nước."

Ông Hồ Tinh Đẩu, giáo sư kinh tế học của Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh, cho biết cuộc điều tra này là một cơ hội hiếm có để thúc đẩy những kế hoạch cải cách kinh tế trong lãnh vực doanh nghiệp nhà nước. Ông nói rằng các công ty quốc doanh có quá nhiều ảnh hưởng đối với nền kinh tế quốc gia và là một nguồn tham nhũng lớn.

Thủ tướng Lý Khắc Cường chắc chắn có thể dùng cuộc điều tra ông Tưởng Khiết Mẫn để thúc đẩy cho mục tiêu cải cách doanh nghiệp nhà nước và phá vỡ tình trạng độc quyền của xí nghiệp quốc doanh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết trừng trị những quan chức tham ô, bất kể lớn nhỏ. Một số người tin rằng cuộc điều tra ông Tưởng Khiết Mẫn là một dấu hiệu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng đang gia tăng cường độ và trong thời gian sắp tới sẽ có các quan chức cấp cao khác bị truy tố.

Trong vài ngày qua, dư luận Trung Quốc xôn xao bàn tán về việc ông Châu Vĩnh Khương, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và là người từng lãnh đạo guồng máy an ninh của đảng Cộng Sản Trung Quốc, có thể là mục tiêu của cuộc điều tra tham nhũng. Ông Châu Vĩnh Khương trước đây từng làm việc cho công ty dầu khí CNPC và là một thành viên có nhiều thế lực của phe thường được gọi là tập đoàn dầu khí.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG