Đường dẫn truy cập

Trung Quốc bán vũ khí cho châu Á: gậy ông đập lưng ông?


Tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc.
Tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc.

Muốn giúp các công ty nội địa cạnh tranh, cách đây 4 năm Trung Quốc tuyên bố mở các hành lang thương mại trên khắp châu Á, và đặt tên cho dự án đầy tham vọng này là ‘Con đường Tơ lụa mới’, theo tên của ‘Con đường Tơ lụa’ mà 2.000 năm về trước, Trung Quốc đã sử dụng để kết nối với Trung Đông. Con đường Tơ lụa thời nay nhằm mục đích xây dựng các cấu trúc hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giúp Trung Quốc giao thương với 68 quốc gia.

Nhưng chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu buôn bán vũ khí dọc theo tuyến đường này ở Đông Nam Á. Theo các số liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, kể từ năm 2006 cho đến nay, Trung Quốc đã bán vũ khí cho ít nhất 7 nước Đông Nam Á. Viện nghiên cứu này đánh giá tổng doanh số bán vũ khí của Trung Quốc cho các nước trong khu vực vượt quá nửa tỷ đôla Mỹ.

Bán vũ khí giúp các nhà sản xuất Trung Quốc, như Công ty Đóng tàu và Hàng hải Quốc tế, thu về lợi nhuận, đồng thời đào sâu các quan hệ thương mại với khu vực Đông Nam Á, nơi mà theo truyền thống Hoa Kỳ là nước bán vũ khí lớn nhất. Trung Quốc là cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Nga, –lại không quan ngại về nguy cơ bị các quốc gia láng giềng dùng các vũ khí đã mua của Trung Quốc để tấn công nước này, bất chấp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước thân chủ.

Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales của Úc chuyên nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Trung Quốc đang có tham vọng trở thành nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của khu vực Đông Nam Á. Hoa Kỳ bán thiết bị quân sự cho Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong một phúc trình ngày 30/8, Giáo sư Thayer nhận định: "Vũ khí của Trung Quốc mạnh, có giá cạnh tranh, có thể bao gồm phần chuyển giao công nghệ, và có thể được vay tiền khi mua, được cung cấp vũ khí mà không qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt như vũ khí của Hoa Kỳ.”

Những khách hàng như Campuchia và Lào chưa gì đã nằm trong tay của Bắc Kinh. Việc các nước này mua sắm thiết bị quân sự như máy bay vận tải, chỉ tăng cường thêm quan hệ thương mại trong khi giúp hai nước này chống lại các cường quốc khác và dập tắt những tiếng nói bất đồng ở trong nước. Myanmar, một khách hàng lớn của Trung Quốc, có thể sẽ không sử dụng tên lửa chống hạm của Trung Quốc, chẳng hạn, để đẩy lùi một cuộc tấn công do Bắc Kinh chỉ đạo.

Nhưng các nước khác có lý do để lo ngại về lực lượng vũ trang của Trung Quốc, và ngược lại.

Indonesia chẳng hạn, đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, và các tên lửa đất đối không và radar từ Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2009. Trong khi Indonesia ngày càng muốn đẩy bật tàu Trung Quốc ra khỏi quần đảo Natuna gần đảo Borneo, nước này có thể dụng những vũ khí đã mua của Trung Quốc để chống lại Trung Quốc.

Cũng tương tự, Malaysia đang cộng tác với Trung Quốc để đóng bốn tàu đặc vụ tuần tra ven biển. Người Malaysia đã chán phải chứng kiến thấy tàu Trung Quốc và phải xua các tàu này ra khỏi vùng biển Borneo, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Thật là mỉa mai nếu một chiếc tàu do Trung Quốc sản xuất một ngày nào đó sẽ xua đuổi tàu tuần duyên của Bắc Kinh ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế dài 370 km của Malaysia trên Biển Đông.

Philippines được biết là đang cân nhắc việc mua vũ khí Trung Quốc với khoản vay 500 triệu đôla từ Bắc Kinh, vì mua vũ khí của Mỹ đi kèm với nhiều điều kiện gắt gao. Manila muốn hiện đại hoá quân đội. Trung Quốc là mối quan ngại hàng đầu của Philippines về mặt an ninh vì những yêu sách chủ quyền lãnh hải chồng chéo với Manila, cho đến khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ thân thiện hơn hồi năm ngoái.

Giới phân tích nói Trung Quốc vẫn giữ riêng cho mình một số thiết bị quân sự tiên tiến để phòng thủ khi cần. Trung Quốc có đủ khả năng để bán vũ khí ra nước ngoài thậm chí cho các nước bất mãn với những tham vọng chính trị của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu các vấn đề chính trị châu Á Fabrizio Bozzato thuộc Hiệp hội nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, nhận định:

"Thật là mỉa mai, một nghịch lý nhưng vẫn hợp lý. Làm ăn là làm ăn. Tôi sẽ lo lắng hơn nếu Trung Quốc không chịu bán vũ khí. Làm như vậy là dấu hiệu về một thái độ thù nghịch cao độ."

Nguồn: Forbes

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG