Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới tái khẳng định quan điểm phản đối phán quyết có lợi cho Philippines của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), trong khi nhiều người Việt vẫn lên tiếng kêu gọi Hà Nội đi theo con đường pháp lý của Manila, nhất là sau khi Bắc Kinh đưa tàu thăm dò vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Khi được hỏi về khả năng Tổng thống Philippines Duterte nêu phán quyết năm 2016 của PCA, bác bỏ tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Bắc Kinh, trong khi tới thăm Trung Quốc từ ngày 28/8 tới 1/9, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn ngoại giao của Trung Quốc, tuyên bố rằng “quan điểm của Trung Quốc về phán quyết Biển Đông vẫn không thay đổi”.
“Thực tế đã chứng minh rằng nếu chúng tôi xử lý phù hợp vấn đề này, nó sẽ là điều tốt cho ổn định và hòa bình khu vực”, ông Cảnh nói hôm 23/8 trong một cuộc họp báo hàng ngày.
Về câu hỏi liên quan tới việc “tàu bè Trung Quốc đi qua vùng lãnh hải của Philippines”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông “muốn nhấn mạnh tới sự sẵn sàng của Trung Quốc nhằm tiến hành đối thoại và trao đổi dựa trên luật pháp quốc tế với nước liên quan nhằm cùng nhau bảo vệ trật tự và an ninh hàng hải”.
Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye ngày 12/7/2016 ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ kiện về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.
PCA bác bỏ yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc và ủng hộ vụ kiện của Philippines do Tổng thống khi đó của nước này, ông Benigno Aquino, khai mào. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng phán quyết này “vô giá trị” cũng như “không có tính cưỡng hành”.
“Phán quyết không có bất kỳ tác động nào đối với chủ quyền lãnh hải cũng như các quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 2016, ông Lục Khảng, nói. “Chúng tôi phản đối và từ chối chấp nhận bất kỳ đề xuất hay hành động nào dựa trên phán quyết”.
Theo giới phân tích, sau khi lên làm tổng thống Philippines, người kế nhiệm ông Aquino, ông Rodrigo Duterte, dường như "làm ngơ" thắng lợi này và “xích lại” gần hơn với Trung Quốc.
Về chuyến thăm kéo dài nhiều ngày tới Trung Quốc của ông Duterte, ông Cảnh Sảng cho biết rằng nhà lãnh đạo Philippines tới quốc gia đông dân nhất thế giới theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tin cho hay, ông Tập “sẽ hội đàm” với ông Duterte ở Bắc Kinh và hai nhà lãnh đạo cũng sẽ dự lễ khai mạc giải vô địch của Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế.
“Philippines là láng giềng hữu nghị của Trung Quốc và là đối tác quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Kể từ khi ông Duterte nhậm chức, quan hệ Trung Quốc và Philippines đã được củng cố và tăng cường”, phát ngôn viên Cảnh Sảng nói.
Mới đây, nhiều người việt cũng như thành viên các tổ chức dân sự đã ký vào một tuyên bố kêu gọi Hà Nội kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì cho rằng “đất nước đang đứng trước hình hình rất nguy hiểm” trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động “bất hợp pháp” tại Bãi Tư Chính.
“Tuyên bố Biển Đông” còn kêu gọi chính phủ Việt Nam “khẩn trương mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ và các nước có chung quyền lợi với Việt Nam ở Biển Đông nhằm bảo vệ tổ quốc một cách hiệu quả.”
Trong các tuyên bố phản đối vụ tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc thời gian qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thường nói rằng “các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam”.