Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 11/6 kêu gọi Hoa Kỳ và Nga cắt giảm hơn một nửa kho vũ khí hạt nhân của họ, vài ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp thượng đỉnh tại Geneva.
Phát biểu trước Hội nghị giải trừ quân bị do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, ông Vương Nghị nói từ Bắc Kinh rằng việc cắt giảm vũ khí hạt nhân mới của hai cường quốc sẽ giúp thúc đẩy hoạt động giải trừ hạt nhân đa phương, đồng thời nhắm thẳng vào Hoa Kỳ một cách không che đậy.
“Trung Quốc phản đối việc phát triển và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu và khu vực của một quốc gia nào đó làm suy yếu sự ổn định chiến lược, và Trung Quốc phản đối việc triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung trên đất liền của quốc gia này trong khu vực lân cận của các quốc gia khác”, Reuters dẫn lời ông Vương nói.
Chính quyền Biden cho biết Hoa Kỳ có ý định cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng và sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng là một cường quốc hạt nhân nhưng kho vũ khí của họ nhỏ hơn nhiều.
Đại sứ giải trừ quân bị của Hoa Kỳ Robert Wood đã dùng diễn đàn Geneva để thúc giục Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán song phương về giảm thiểu rủi ro và ổn định chiến lược, phù hợp với các tuyên bố trước đó.
“Cho đến nay, Trung Quốc đã bác bỏ các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc bắt đầu các cuộc đàm phán song phương về giảm thiểu rủi ro và ổn định chiến lược”, ông Wood nói.
Trong khi đó, ông Vương Nghị nói rằng “các hành động bắt nạt đơn phương của Hoa Kỳ” là nguyên nhân sâu xa của vấn đề hạt nhân Iran.
Vào năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận năm 2015 của các cường quốc thế giới với Iran. Thoả thuận được thiết kế nhằm xoá bỏ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này. Rồi Mỹ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên Tehran.
Ông Vương Nghị nói “Để quay trở lại thỏa thuận, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran là điều đương nhiên phải làm”.
Vào lúc các cuộc đàm phán giữa Iran và Hoa Kỳ tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận năm 2015 đang trong giai đoạn “nước rút cuối”, các bên tham gia hiệp định phải nỗ lực ngoại giao gấp đôi để “đưa JCPOA (từ viết tắt của thoả thuận) trở lại đúng hướng”, ông Vương Nghị nói thêm.