Trung Quốc đã bác bỏ một bản phúc trình của chính phủ Mỹ về những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh nói rằng văn kiện đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao ở Washington vi phạm cam kết của Mỹ là giữ lập trường trung lập trong vụ tranh chấp ở Biển Đông.
Trong tuần vừa qua cả Bắc Kinh lẫn Washington đều công bố những phúc trình liên quan tới vụ tranh chấp lâu đời về chủ quyền đối với những bãi đá ngầm và những hòn đảo nhỏ ở Biển Nam Trung Hoa, nơi mà Việt Nam gọi là Biển Đông và Trung Quốc gọi là Nam Hải.
Bản phúc trình của Mỹ về cơ sở pháp lý, địa lý, và lịch sử của Trung Quốc để đòi chủ quyền khu vực này kết luận rằng các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp hải dương quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết.
Việc này đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các quyền và yêu sách của Trung Quốc được hình thành bởi lịch sử và được các chính phủ Trung Quốc tôn trọng. Ông nói thêm rằng phúc trình của Mỹ vi phạm cam kết là không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp ở Biển Đông.
Các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông được phác họa trong những bản đồ có đường 9 đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, vây bọc những vùng biển và những hòn đảo ở Biển Đông có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Đường này bao trùm những khu vực mà nhiều nước khác cũng đòi chủ quyền, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Philippines đã nộp đơn cho tòa trọng tài quốc tế dựa theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển để xin phân xử. Trung Quốc được tòa án dành cho tới ngày 15 tháng này để bênh vực cho lập trường của mình, nhưng Bắc Kinh cho biết họ không tham gia tiến trình trọng tài.
Trong một phúc trình công bố hôm chủ nhật vừa qua, chính phủ ở Bắc Kinh lập luận rằng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trước tiên phải được giải quyết giữa các nước. Lâu nay Trung Quốc nhất mực bác bỏ những đề nghị đưa vụ tranh chấp ra phân xử trước Liên hiệp quốc hoặc những cơ quan quốc tế khác và chỉ muốn tiến hành đàm phán song phương với các nước khác trong vụ tranh chấp.
Cuộc nghiên cứu của Cục Hải dương, Môi trường Quốc tế và Khoa học Sự vụ của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận rằng những bản đồ của Trung Quốc vẽ từ năm 1947 mà họ dùng làm cơ sở cho những yêu sách của mình là “thiếu chính xác” và thiếu nhất quán quá độ nên không thể dùng làm cơ sở cho những yêu sách có tính chất lịch sử đối với vùng biển này.
Phúc trình cũng nói rằng Trung Quốc không có “luật lệ, tuyên bố, tuyên cáo, hoặc những phát biểu chính thức khác để mô tả hoặc thông báo cho cộng đồng quốc tế về yêu sách lịch sử đối với vùng biển bên trong đường 9 đoạn.”
Văn kiện này cho rằng yêu sách lịch sử của Trung Quốc không thỏa mãn những đòi hỏi pháp lý được dùng trong công pháp quốc tế để giải quyết những vụ tranh chấp loại này.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia cho biết trong khi phúc trình của Trung Quốc tìm cách ảnh hưởng tới các vị thẩm phán của vụ án trọng tài mà không giao tiếp một cách trực tiếp, phúc trình của Mỹ mạnh mẽ thúc giục Trung Quốc làm rõ những yêu sách của mình. Giáo sư Thayer nói:
"Trung Quốc có thể lấy bớt các đoạn, họ cũng có thể thêm vào, như họ đã làm, xung quanh Đài Loan, để có đoạn thứ 10. Cho nên những đường vạch này không phải là cố định như Trung Quốc muốn chúng ta tin là như vậy. Do đó Mỹ đã làm cho quả bóng bắt đầu lăn để giúp thúc đẩy thêm nữa cho các lập luận pháp lý."
Ông Vương Đông, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh, cho rằng văn kiện của Mỹ và vụ kiện của Philippines không có ích cho việc giải quyết tranh chấp:
"Nó không có ích cho việc giảm thiểu căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa. Nó có thể khuấy động vấn đề một cách không cần thiết và làm cho một số nước có yêu sách chủ quyền cảm thấy mạnh bạo hơn để không tham gia đàm phán một cách thành thật, mà lại tìm cách theo đuổi một đường lối có tính chất đối đầu nhiều hơn đối với vấn đề này."
Trung Quốc cho biết kết quả của vụ kiện của Philippines ở tòa trọng tài sẽ không “lay chuyển quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và những quyền lợi và lợi ích hải dương của mình.”