Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 của đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc hội nghị thứ 12 hôm 11/5 tại Hà Nội để bàn về các vấn đề nhân sự.
Trong hội nghị kéo dài 3 ngày, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định về “phương hướng công tác nhân sự” Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 tới, phương hướng bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội 13 của đảng vào đầu năm 2021, theo tin trên truyền thông nhà nước Việt Nam.
VietnamNet trích lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu gợi ý tại phiên khai mạc hội nghị trung ương 12 rằng tiêu chuẩn ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cương lĩnh, đường lối của đảng; hiến pháp của nhà nước, và lợi ích của quốc gia, dân tộc".
Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh cho hay hội nghị lần này chưa đi vào nhân sự, ứng viên, con người cụ thể mà “tập trung về tiêu chuẩn cán bộ, các vấn đề về cơ cấu, số lượng ủy viên ban chấp hành các cấp, độ tuổi, quy trình giới thiệu nhân sự vào ban chấp hành các cấp”.
Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra khung tiêu chuẩn về ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, và các chức danh cụ thể từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước trở xuống trong hai quy định 90/2017 và 214/2020.
Những quy định này là “cơ sở quan trọng” để hội nghị trung ương 12 thảo luận, quán triệt một cách “kỹ lưỡng hơn, thống nhất hơn” vào phương hướng công tác nhân sự của Đại hội 13, theo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh.
Dựa vào tần suất ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư của đảng, xuất hiện trên truyền thông nhà nước, nhất là nhiều lần có mặt bên cạnh ông Nguyễn Phú Trọng, một số nhà quan sát, phân tích gần đây dự đoán rằng ông Vượng là nhân vật sáng giá nhất để trở thành Tổng Bí thư tiếp theo, kế nhiệm ông Trọng.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS - Yusof Ishak nói với VOA rằng xét theo hai quy định 90 và 214, ông Trần Quốc Vượng “không đạt tiêu chuẩn”:
“Bởi vì ông ấy quá tuổi rồi. Thứ hai là ông ấy còn thiếu kinh nghiệm công tác ở địa phương, tức là chưa bao giờ làm bí thư tỉnh ủy hay lãnh đạo ở địa phương cả. Thế nhưng người ta vẫn có thể giới thiệu. Nếu giới thiệu đặc biệt như thế thì sẽ phải hiệp thương trước đại hội. Hiệp thương mà được trong nội bộ, người ta mới giới thiệu”.
Vẫn nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp cho rằng trong Đại hội 13, các đại biểu hàng đầu của đảng cộng sản sẽ bầu ra tổng bí thư và chủ tịch nước riêng rẽ, đưa Việt Nam trở lại cơ chế “tứ trụ” – một thuật ngữ dùng để chỉ bốn vị trí lãnh đạo quan trọng nhất của đất nước, gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Hồi tháng 10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quốc hội bầu làm chủ tịch nước, kế nhiệm ông Trần Đại Quang, người qua đời trước đó do bệnh tật.
Trong khi một số nhà quan sát cho rằng đó là bước “nhất thể hóa” hai chức danh cho một người nắm giữ, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp không đồng ý về điều này.
Ông Hợp khẳng định với VOA rằng việc ông Trọng kiêm nhiệm 2 chức vụ chỉ có tính tạm thời trong giai đoạn Việt Nam chưa tìm được người thích hợp cho chức chủ tịch nước bị để trống sau khi ông Trần Đại Quang chết.
Chỉ khi nào Việt Nam sửa hiến pháp để sáp nhập hai chức vụ làm một, kể cả sáp nhập hai bộ máy giúp việc là Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch Nước, khi đó việc “nhất thể hóa” mới là chính thức, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
Về các nhân vật sáng giá có thể được giao các trọng trách hàng đầu khác của đất nước sau Đại hội 13, tiến sĩ Hợp nhận định với VOA rằng Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đạt đủ mọi tiêu chuẩn để giữ một trong ba chức vụ là chủ tịch nước, thủ tướng hoặc chủ tịch quốc hội, và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ hoàn toàn đủ khả năng để trở thành thủ tướng.