Đường dẫn truy cập

Trưng cầu dân ý về ly khai ở Ukraine


Dân quân vũ trang tân Nga đăng ký trước khi bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Slaviansk, miền đông Ukraine, ngày 11/5/2014.
Dân quân vũ trang tân Nga đăng ký trước khi bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Slaviansk, miền đông Ukraine, ngày 11/5/2014.
Các cuộc biểu quyết về ly khai đã bắt đầu tại hai khu vực ở miền đông Ukraine hôm nay.

Cuộc trưng cầu dân ý này đánh dấu cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã trở nên trầm trọng hơn, đẩy các mối quan hệ Đông-Tây xuống những mức thấp chưa từng thấy kể từ Chiến tranh lạnh.

Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov cảnh báo những người ủng hộ ly khai rằng tuyên bố độc lập có thể là “bước tiến tới vực thẳm cho những vùng này.” Ông cũng kêu gọi các phiến quân tham gia thảo luận về quyền tự trị lớn hơn cho miền đông.

Cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ nhật tìm kiếm sự chấp thuận của cử tri trong việc thành lập nước cộng hòa nhân dân có chủ quyền tại hai vùng Donetsk và Luhannsk.

Cuộc bỏ phiếu - được tổ chức không theo thể thức và không có kiểm soát rõ rệt về phiếu bầu hay danh sách cử tri - đã bị Kiev và các thủ đô Tây phương chỉ trích mạnh mẽ.

Các lãnh đạo ly khai cho rằng dân chúng tại Donetsk và Luhansk đòi có cơ hội bỏ phiếu ngay lập tức về tương lai vùng này, dù có những nghi vấn về tính hợp pháp của cuộc bầu cử và cuộc thăm dò mới đây cho thấy 70% người dân địa phương chống lại việc ly khai.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki chiều tối thứ Bảy nói rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu này. Bà nói các cuộc bỏ phiếu này “vi phạm luật quốc tế và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Bà Psaki nói rằng Hoa Kỳ “thất vọng” vì Nga đã không dùng ảnh hưởng của họ trong khu vực để ngăn cuộc bỏ phiếu, bất chấp việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần trước đề nghị hoãn các cuộc trưng cầu, và ông tuyên bố rằng Nga rút các lực lượng quân sự ra khỏi khu vực biên giới với Ukraine.

Ngược lại, bà Psaki nói rằng Hoa Kỳ không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ là quân đội Nga đang di chuyển khỏi khu vực biên giới. Bà nói truyền thông nhà nước Nga tiếp tục “hậu thuẫn mạnh mẽ” cho các cuộc trưng cầu dân ý mà “không đề cập đến lời kêu gọi trì hoãn của Tổng thống Putin.”

Các nhà lãnh đạo Tây phương đổ lỗi cho Moscow trong việc khuyến khích phong trào ly khai, và ngày thứ Bảy, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp François Hollande cho biết sẽ ủng hộ những chế tài kinh tế mới đối với Moscow nếu xáo trộn đang tiếp diễn đe dọa cuộc bầu cử Tổng thống ngày 25 tháng 5.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Putin đi thăm bán đảo Crimea của Ukraine lần đầu tiên kể từ khi Moscow sáp nhập lãnh thổ này vào tháng Ba năm nay. Không công nhận vụ sáp nhập, Hoa Kỳ đã lên án chuyến thăm của ông Putin. Bộ Ngoại giao Ukraine gọi đây là một sự “khiêu khích.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG