Đường dẫn truy cập

Trung ương 5: Tấp rác xuống dưới thảm


Sang năm, ông Trọng vẫn có thể liệt kê lại những vấn đề như lần này, và chúng cũng y chang như các diễn văn nào trước đó trong các kỳ họp trung ương cách đây mấy năm.
Sang năm, ông Trọng vẫn có thể liệt kê lại những vấn đề như lần này, và chúng cũng y chang như các diễn văn nào trước đó trong các kỳ họp trung ương cách đây mấy năm.

Vẫn theo nguồn tin này, bà Nhàn – người mà blogger Lê Nguyễn Hương Trà cho là một nhân vật “sân sau” của nhiều quan chức – được coi là “rất thân cận” với Thủ tướng Chính.

Văn hóa Anglo-Saxon có thành ngữ “Hãy tấp mọi thứ xuống dưới thảm” để nói về cách che dấu những khiếm khuyết hay yếu kém nguy hiểm, thậm chí để giữ kín những bí mật tày đình, không cho người ngoài cuộc biết sự thật thì người ta “Sweep it under the carpet”. Đó là những gì có thể chứng kiến sau những ngày đầu của Hội nghị Trung ương 5 (TƯ5), trong đó nổi bật là ĐCSVN thừa nhận sự thất bại “toàn tập” trên thực tế đối với công cuộc chống tham nhũng, sự bất lực trước yêu cầu đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và câu chuyện “chiếc đèn cù” trong vấn đề kiểm soát quyền lực.

Mô hình Cải cách Ruộng đất

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị TƯ5, Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng kết luận: “Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội… của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới...”. Kết luận này của TBT, xin lỗi, chỉ đưa ra để bịp dư luận. Sang năm, ông Trọng vẫn có thể liệt kê lại những vấn đề như thế này, và chúng cũng y chang như các diễn văn nào trước đó trong các kỳ họp trung ương cách đây mấy năm.

Việc chưa có bất kỳ một buổi họp khoáng đại hay thảo luận tổ nào tại TƯ5 mà 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ ngay từ ngày đầu, đã nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ), nói lên sự thất bại “toàn tập” trong công cuộc “đốt lò” của TBT Nguyễn Phú Trọng. Sau những “ngửa mặt kêu trời” của ông Trọng, tại sao “chống mạnh mẽ, mà tiêu cực và tham những vẫn cứ trơ ra đó”, giờ đây TBT Nguyễn Phú Trọng đang gỡ một nước “cờ bí” bằng cách, ông cho đưa những kẻ có cơ hội lớn nhất để tham nhũng vào các lực lượng chống tham nhũng. Đây thực sự là một bước thụt lùi lớn trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN) . Tuy nhiên, những những lực lượng đang sẵn sàng để ngợi ca “bộ quần áo mới của Hoàng đế - Tổng Bí thư” thì lại cho rằng, ông Trọng cực kỳ cao thủ khi cho phục hoạt lại mô hình Cải cách Ruống đất (CCRĐ ) vốn đã bị lãng quên từ lâu.

Số là, 63 đồng chí đứng đầu BCĐ cấp tỉnh PCTN chính là những đồng chí có cơ hội tham nhũng nhiều nhất, vì quyền lực của họ lớn nhất. TBT Nguyễn Phú Trọng có chủ trương ngăn chặn nguy cơ này bằng cách sẽ ngầm cử những “cốt cán” (thành phần được tin cậy trong CCRĐ) từ trung ương về địa phương, hay thậm chí có thể có đồng chí đang “nằm vùng” ngay tại địa phương để theo dõi sát sao các đồng chí “chưa bị lộ trong đống rơm” và sẽ mật báo về cho BCĐ trung ương. Tuy nhiên, ở đây có thể diễn ra hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất, sẽ hình thành một mạng lưới tham nhũng rộng khắp cả nước với sự liên thông (móc ngoặc) giữa các tỉnh và các vùng với nhau để bao che cho các hành động tham nhũng tập thể, có quy trình và theo một “văn hóa tham nhũng” như đã và đang thấy qua các vụ án gần đây. Kịch bản thứ hai, Tổng Bí thư sau khi dàn xếp xong các mâu thuẫn phe phái trong đảng, ông sẽ quyết định “hạ cánh an toàn” vào thời điểm được cho là ít có khả năng “kiến sẽ ăn cá”.

Bế tắc trong vấn đề đất đai

Quy định “Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” ghi trong Hiến pháp 2013 (Điều 53) và trong Luật Đất đai 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 (Điều 5), chỉ cho dân hưởng “quyền sử dụng đất” – một khái niệm lập lờ đã được chế tác khéo – thực chất chỉ là thủ đoạn mị dân man trá để chiếm đoạt đất của người dân. Nhà nước nắm quyền chi phối, dễ dàng lạm dụng dưới hình thức “quy hoạch sử dụng đất” theo hướng ưu đãi có lợi cho một số nhóm đặc quyền làm giàu, chủ yếu nằm trong những người có đảng tịch lâu năm cấp cao, cùng với “sân sau” của họ, như thực tế áp dụng bấy lâu nay đã từng chứng tỏ qua hàng loạt vụ án từ Bắc Vào Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, Luật Đất đai và cả Nghị định 30 đều không cho phép chuyển đổi các loại đất khác sang đất ở đang khiến một lượng lớn dự án bị ách tắc. Con số hiện đang ách tắc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ước khoảng 400 dự án. Điều này đang gây khó khăn và cản trở doanh nghiệp trong quá trình phát triển nguồn cung bất động sản phục vụ thị trường. Bởi vậy, việc sửa đổi hàng lang pháp lý đang trở nên cấp bách. Điều quan trọng hơn tất cả là để giải quyết các ách tắc về đất đai thì phải tiến hành ngay một số cải cách then chốt, mở ra những mũi đột phá, mà một trong những đột phá khẩu ấy là sửa lại ngay một cách căn bản từ trong Hiến pháp cho đến những luật lệ cụ thể về quyền sở hữu đất đai. Không phải ngẫu nhiên, trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng.

Tuy nhiên, chừng nào mà không có thay đổi trong luận điểm cơ bản nhất của ĐCSVN về sở hữu toàn dân về đất đai: Đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, cũng như quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất vẫn như từ trước đến nay, thì Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai vẫn bết tắc. Luận điểm nói trên thực chất vẫn là cuộc cướp trắng đất của người dân bằng những câu từ trí trá, ngụy biện thanh minh cho những vụ cướp đất của dân từ trước đến nay. Ngay sau cuộc đấu giá, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng đất đấu giá ở Thủ Thiêm là vô cùng bất thường. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đấu giá có thể thu được giá cao hơn, nhưng giá cao như ở Thủ Thiêm là cả một vấn đề. Ông Tùng cho rằng, nếu quy định giá đất trong luật sát với thị trường thì sự chênh lệch khi đấu giá không thể quá lớn. Còn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thì cho rằng, đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Bất lực trong kiểm soát quyền lực

Ngay trước ngày khai mạc Hội nghị TƯ5, một số “báo chí quốc doanh” đăng bài dẫn lời TBT Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chính nhờ kiểm soát được quyền lực tốt, nên CSVN đã khắc phục tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”. Ông Trọng nói rõ tức là không còn tình trạng phe cánh trong nội bộ đảng cậy quyền thế (cậy càng), dựa vào vây cánh (cậy vây). TBT Trọng cũng cho rằng, kiểm soát quyền lực là một nét mới trong kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trên thực tế thì ra sao? Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời truyền thông quốc tế từ Sài Gòn hôm 4/5, cho rằng: “Việc bắt bớ vừa rồi dù bắt rất nhiều và mạnh tay, nhưng việc bắt bớ đó càng bộc lộ cho dư luận thấy các phe phái đang thanh trừng chính trị dưới ‘vở kịch’ chống tham nhũng… Những trọc phú tại Việt Nam đã khiến dư luận nghi ngờ khi họ mới bất ngờ xuất hiện, không rõ tài năng, vốn liếng... nhưng lại được báo chí Nhà nước tung hô... và rồi lại đột ngột bị bắt, vì tội danh này hay tội danh khác... nhưng đều liên quan tham nhũng”.

Trả lời truyền thông quốc tế hôm 4/5, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhận định: “Còn cơ chế độc tài toàn trị của ĐCS thì cái đấy không bao giờ hết được, các phe phái xuất phát từ cơ chế này mà ra, chỉ khi chế độ này chấm dứt thì mới hết ô dù, phe phái, bè cánh... Thực tế nó như vậy, bởi vì không có bầu cử, ứng cử tự do, và có sự đấu đá ngầm trong ĐCS để phân chia quyền lực. Ông Trọng nói vậy thôi, ổng dựa vào việc bắt một số tướng tá công an quân đội, việc bắt một số nhân vật quyền lực... Nhưng thực tế không phải vậy, vẫn còn những phe cánh đang đấu đá, Hội nghị Trung ương tới thì việc tranh giành quyền lực trong cấp chóp bu rất kinh khủng. Ngay cả việc những người vừa bị bắt cũng là phe cánh đánh nhau, triệt tay chân của nhau... trên cơ sở chống tham nhũng.” Theo kết luận của nhà báo Nguyễn Vũ Bình, với cơ chế hiện tại của nhà nước CSVN, thì phe phái, bè cánh hay tranh giành quyền lực là không bao giờ hết.

Điển hình nhất của cuộc đấu đá trong Bộ Chính trị ĐCSVN trước TƯ5 là việc Bộ Công an ra lệnh khởi tố Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, vì cáo buộc tham nhũng. Trong khi truyền thông Israel cho rằng nữ doanh nhân bị ra lệnh bắt giam, vì tham gia vào các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel. Theo nhà báo Yossi Melman, chuyên viết về các vấn đề tình báo và chiến lược của Haaretz, bà Nhàn là nhân vật chủ chốt trong môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam suốt thập kỷ qua và lý do bà bị bắt là vì vai trò môi giới của bà trong các thương vụ này. Nguồn tin dấu tên nắm rõ tình hình từ Việt Nam được nhà báo Melman trích lời nói rằng, lý do của vụ bắt giữ “bắt nguồn từ sự tranh giành quyền lực ở Việt Nam giữa Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính, Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng – người sắp thôi chức, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.” Vẫn theo nguồn tin này, bà Nhàn – người mà blogger Lê Nguyễn Hương Trà cho là một nhân vật “sân sau” của nhiều quan chức – được coi là “rất thân cận” với Thủ tướng Chính.

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG