Đường dẫn truy cập

Trump và các cuộc gặp gai góc tại Thượng đỉnh G20


Ông Trump dự kiến sẽ có các cuộc gặp song phương với ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin ở Osaka
Ông Trump dự kiến sẽ có các cuộc gặp song phương với ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin ở Osaka

Chỉ một tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này sẽ tới quốc gia Đông Á này một lần nữa.

Tại Osaka, ông Trump sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Trong thời gian này, ông dự kiến sẽ có các cuộc gặp trực tiếp bên lề với các nhà lãnh đạo thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Tổng thống khá thoải mái với vị thế của ông khi tham gia cuộc gặp với ông Tập sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ và Washington tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc,” một quan chức cao cấp của Mỹ nói với các phóng viên hôm 24/6.

Các quan chức Mỹ nói rằng không có chương trình nghị sự cố định cho cuộc gặp của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin mặc dù họ thừa nhận các vấn đề liên quan đến Iran, Ukraine, Trung Đông và Venezuela gần như chắc chắn sẽ được thảo luận

Phủ bóng các thảo luận ở thượng đỉnh G20 sẽ là sự lo lắng về tình hình xấu đi giữa Washington và Tehran. Các nhà lãnh đạo ở cả nước đều nhắc lại rằng họ muốn tránh chiến tranh nhưng cũng nhiều lần tuyên bố họ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích của mình nếu bị khiêu khích.

Trump sẽ nhắc lại với những người đồng cấp của mình tại G-20 rằng Hoa Kỳ dự định sẽ tiếp tục tăng áp lực kinh tế đối với Iran, nước đang phải chịu các lệnh trừng phạt leo thang của Hoa Kỳ và loại bỏ toàn bộ xuất cảng xăng dầu của nước này.

“Tôi không nghĩ Iran là một vấn đề gây xao lãng,” ông James Jay Carafano, phó chủ tịch viện an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quỹ Di sản, nói. “Tôi nghĩ tình hình đã được kiểm soát. Ông Trump nên cố gắng làm sao cho G20 không xảy ra điều gay cấn.”

Bản thân nhóm G20 đã không còn có ý nghĩa như trước sau một vài kỳ thượng đỉnh đầu tiên của nhóm vào cuối thập kỷ trước khi các nước cùng hợp tác để ngăn chặn sự hỗn loạn của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Trump thích thảo luận và thỏa thuận song phương hơn là các cuộc họp đa quốc gia. Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền ông đang cố gắng đảo ngược quan niệm rằng họ không còn xem các cuộc họp kiểu này là quan trọng và chỉ ra sự lãnh đạo của Mỹ trong việc thúc đẩy các vấn đề kinh tế của thế kỷ 21.

“Chúng tôi tin rằng các nền kinh tế G20 cần làm việc cùng nhau để thúc đẩy các chính sách kỹ thuật số cởi mở, công bằng dựa trên thị trường, bao gồm dòng chảy dữ liệu tự do,” một quan chức Mỹ cấp cao nói với các phóng viên hôm 24/6 và nhấn mạnh việc đẩy mạnh trao quyền kinh tế cho phụ nữ .

Cô Ivanka Trump, ái nữ của tổng thống và là cố vấn Nhà Trắng, sẽ có bài phát biểu chủ đề về trao quyền kinh tế cho phụ nữ tại một sự kiện bên lề hội nghị G20 ở Osaka.

Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng duy trì hệ thống quốc tế và các nguyên tắc của nó.

“Đây là điểm mà sự vắng mặt của Mỹ đang thật sự làm tổn hại họ,” bà Heather Conley, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) đồng thời là giám đốc chương trình châu Âu của trung tâm này, cho biết. “Chúng ta đang chứng kiến cái chết chậm chạp của chủ nghĩa đa phương ở nhiều khía cạnh. Đó là một cái chết bởi hàng ngàn vết cắt.”

Trong khi Mỹ rút lui khỏi các diễn đàn như vậy, thế giới đang chứng kiến Trung Quốc sử dụng các tổ chức quốc tế rất hiệu quả để xác định các chương trình nghị sự, bà Conley, cựu phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao, cho biết.

Một số nhà phân tích dự đoán cuộc gặp Trump-Tập ở Osaka sẽ là sự lặp lại bữa ăn tối của họ vào năm ngoái tại Buenos Aires, Argentina khi hai nhà lãnh đạo đồng ý đàm phán về thương mại và giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng thương mại của họ đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày.

“Tôi nghĩ rằng đó là kết quả rất có thể xảy ra, rằng họ sẽ đạt được một số điểm đáp ứng lẫn nhau, một thỏa thuận ngưng chiến giống như vậy và thúc đẩy tiến trình về phía trước,” ông Matthew Goodman, phó chủ tịch cấp cao của CSIS và cố vấn cao cấp về kinh tế châu Á, nhận định.

“Cách làm này không thể giải quyết vấn đề trước mắt,” ông Goodman, người trước đây từng là giám đốc kinh tế quốc tế trong nhóm Hội đồng An ninh Quốc gia vốn giúp cựu Tổng thống Barack Obama khi đó chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh G20 và G8, lập luận. “Ngay cả khi chúng ta có được một thỏa thuận, không có khả năng giải quyết một số khác biệt cấu trúc sâu sắc giữa chúng ta trong vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, quản trị công nghệ và dữ liệu.”

Nhiều sự chú ý cũng đổ dồn vào cuộc gặp Trump-Putin.

“Bất cứ khi nào Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau, sau đó sẽ có phản ứng dữ dội trong lòng nước Mỹ,” bà Conley lưu ý. “Một phần, đó là vì sự thiếu minh bạch hoàn toàn về các chủ đề thảo luận và chương trình nghị sự là gì, và tôi nghĩ rằng tổng thống sẽ có cách tiếp cận chính sách tốt hơn ở trong nước nếu, một lần nữa, có sự rõ ràng về chương trình nghị sự, rằng sẽ có những người tham dự vào cuộc họp đó - bộ trưởng Ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia và những người khác.”

Ông Trump cũng dự kiến sẽ có cuộc hội đàm tại Osaka với các nhà lãnh đạo Úc, Đức, Ấn Độ, Ả Rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ Nhật Bản, ông Trump bay đến Seoul , nơi ông sẽ được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đón tiếp để thảo luận về cách tiếp tục giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên.

Các quan chức Nhà Trắng xóa bỏ suy đoán Trump có thể gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên bán đảo Triều Tiên. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ thứ ba của họ sau các hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội. Các quan chức Mỹ không bình luận về chuyến thăm có khả năng của ông Trump đến Khu phi quân sự, nơi ngăn cách hai miền Triều Tiên.

Theo ông Carafano, ông Trump gặp ít áp lực phải có bất kỳ đột phá nào trong chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc. “Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đang ở vị trí dẫn dắt trong cả hai quộc đàm phán về Triều Tiên và Trung Quốc,” Carafano nói với VOA. “Nếu họ đến bàn đàm phán bây giờ thì tốt thôi. Nếu không cũng vẫn tốt. Ông Trump có thể đợi đến sau cuộc bầu cử năm 2020.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG