Sáu tháng sau khi lên nhậm chức, ông Donald Trump về phần lớn đã không thực hiện cam kết của ông sẽ lật ngược chính sách đối ngoại mà Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama để lại. Ông Trump rút ra khỏi Hiệp định Paris về khí hậu, bỏ ngang Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và mạnh mẽ ủng hộ các quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Nhưng nhiều khía cạnh khác của chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Obama, như thỏa thuận hạt nhân với Iran chẳng hạn, vẫn được duy trì.
Khi phát biểu trước công chúng, không ai có thể nhầm lẫn Donald Trump với ông Obama.
Trong một bài diễn văn được người Ba Lan nhiệt tình hưởng ứng ở Warsaw mới đây, ông Trump tránh xa nền ngoại giao đa phương của ông Obama. Ông cảnh báo rằng các giá trị Tây phương đang bị đe dọa bởi khủng bố và những thành phần không chia sẻ những giá trị đó, đồng thời cũng bị đe dọa bởi những người chia sẻ các giá trị đó nhưng có thái độ tự mãn.
Tổng thống Trump phát biểu:
“Liệu chúng ta có muốn và có can đảm để bảo tồn nền văn minh của chúng ta chống lại những kẻ muốn gây hại hoặc phá hoại nền văn minh đó?”
Tuy nhiên về một số vấn đề chủ yếu, những hành động của ông Trump không đi đôi với những lời tuyên bố có tính cách khoa trương của ông trong thời gian vận động tranh cử. Chẳng hạn về vấn đề Iran:
“Cái thỏa thuận với Iran là thỏa thuận ngu xuẩn nhất mà tôi từng chứng kiến. Tôi chưa từng thấy bất cứ thỏa thuận nào như vậy.”
Nhưng trong cương vị Tổng thống, ông Trump đã hai lần ký giấy xác nhận ông vẫn duy trì thỏa thuận với Iran.
Về NATO, ông Trump lật ngược vị thế của ông trong chiến dịch vận động, cho rằng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã ‘lỗi thời’.
Tổng thống Trump:
“Tôi đã từng nói NATO đã lỗi thời. Không, NATO không còn lỗi thời nữa.”
Mặt khác, ông Trump đã lật ngược 3 sáng kiến lớn của ông Obama, siết chặt di trú và rút Hoa Kỳ ra khỏi hai thỏa thuận đa phương quan trọng, là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và Hiệp định Khí hậu Paris. Ông nói:
“Cốt lõi là Hiệp định Paris rất bất công ở cấp độ cao nhất đối với Hoa Kỳ.”
Nhưng sau khi bị phản kháng và bị cô lập bởi các đối tác của Mỹ trong khối G-20, ông Trump bắn tiếng trong chuyến đi thăm Paris hồi tuần trước, rằng ông có thể thay đổi ý kiến.
“Một điều gì đó có thể xảy ra về Hiệp định Paris. Chúng ta hãy chờ xem.”
Các nhà phân tích chính sách đối ngoại nước ngoài nói những thông điệp không nhất quán của ông Trump đang gây xáo trộn trên trường quốc tế.
Ông Charles Kupchan, nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Chính sách Đối ngoại, nhận định:
“Có những câu hỏi sâu sắc về các giá trị Mỹ và chính quyền này đang đi về đâu. Nếu chính quyền ông Trump tiến về hướng chủ nghĩa dân túy cực đoan, thì 4 năm sau chúng ta sẽ chứng kiến sự xói mòn của lòng tin, sự tự tin, và có thể nói, tính vững bền của các mối quan hệ và các định chế đã từng duy trì nền trật tự quốc tế theo một cách ổn định.”
Ít nhất là trong lúc này, một loạt yếu tố đang duy trì các chính sách của ông Trump tương đối gần với các chính sách của ông Obama. Về Iran, lời khuyên của đoàn cố vấn chính sách dày kinh nghiệm đã chứng tỏ là có sức mạnh; về lệnh cấm du hành của ông Trump, các tòa án Mỹ hạn chế quy mô của sắc lệnh Tổng thống của ông; và về Bắc Hàn, đơn giản là Tổng thống Trump nhận thức ra rằng, như ông Obama, ông không có bao nhiêu sự lựa chọn.