Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, mà Việt Nam đã rất mong chờ.
Trong một hội nghị thượng đỉnh kinh doanh của khối ASEAN diễn ra tại Hà Nội hôm 8/12, thủ tướng Việt Nam được Bloomberg trích lời nói rằng thế giới và ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức trong đó có rủi ro về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ. Trước đó phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã lên tiếng tại một hội nghị của APEC tại Hà Nội nêu lên những “quan ngại sâu sắc về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ.”
Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ sẽ nhậm chức và trước đây ông đã tuyên bố sẽ chính thức đưa Mỹ ra khỏi hiệp định gói gọn 40% lượng GDP toàn cầu vào ngày 20/1. Và ông Trump trong chiến dịch tranh cử đã luôn lên tiếng chống lại sự toàn cầu hóa thương mại và đề cao chủ nghĩa bảo hộ.
Theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh, xu hướng này hiện nay đang mạnh lên khi Mỹ sẽ ra khỏi TPP và Anh đã rút khỏi Liên minh Châu Âu.
Ông nói thêm:
“Hiện nay có một xu thế là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, và chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại quốc tế có tăng lên. Và tôi nghĩ rằng có những lý do nhất định bởi vì người dân ở đấy sợ bị mất chỗ làm việc hoặc bị thiệt hại về quỹ bảo hiểm xã hội của họ v.v. Nếu như chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại, có thể ông Trump sẽ có thêm những biện pháp nào đó thì các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn”.
Những lời hứa bảo hộ thương mại trong nước của tỷ phú Trump được coi là một yếu tố quan trọng, giúp ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhưng việc chống lại toàn cầu hóa thương mại và nhất là việc rút Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại tự do mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thương lượng trong 5 năm qua đã gặp phải những chỉ trích ở ngay trong nước.
Thượng nghị sỹ đảng Cộng Hòa John McCain gần đây đã lên tiếng phản đối xu hướng bảo hộ và cho rằng việc rút khỏi TPP sẽ là giảm khả năng cạnh tranh của Mỹ trên thế giới. Trong một bài bình luận viết cho Financial Times hôm 7/12, ông McCain, người từng có thời gian tham chiến ở Việt Nam, cho rằng việc người dân Mỹ mất việc làm không phải vì các hiệp định tự do thương mại mà bởi vì những cải tiến trong công nghệ và xu thế này sẽ vẫn tiếp tục cho dù Mỹ có ký kết TPP hay không.
Ông Sesto Vecchi, một luật sư thương mại người Mỹ có hơn 35 năm hành nghề tại Việt Nam, cũng cho rằng TPP sẽ không phải là lý do để công nhân Mỹ mất việc làm bởi những công việc trong các ngành lao động như may mặc, giày dép và lắp ráp đơn giản đã biến mất từ lâu ở Mỹ.
Ông nói tiếp:
“Tôi không đồng ý với quan điểm rằng, hiệp định thương mại, như trường hợp Việt Nam, sẽ lấy đi việc làm của người Mỹ. Ngay cả ở Việt Nam, và đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc, rất nhiều những công việc như vậy đã biến mất bởi chúng đã được tự động hóa”.
Ông Vecchi cho rằng Mỹ nên theo đuổi một hiệp định TPP song phương với các nước thành viên để tiếp tục duy trì thế mạnh của Mỹ. Trong 1 bài viết cho tờ The Hill có trụ sở ở Washington, ông Vecchi nói rằng Việt Nam là một trường hợp điển hình cho một hiệp định song phương như vậy, bởi tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam, và điều đó cũng sẽ giúp Mỹ kiềm chế sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc khi nước này đang theo đuổi một hiệp định thương mại tương tự với các nước trong khu vực.
Theo nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và 2 nền kinh tế này bổ sung cho nhau.
Kinh tế gia này nói tiếp:
“Tôi lấy làm hoài nghi liệu ông Trump có thể tạo ra được những chỗ làm việc cho những người lao động Hoa Kỳ để thay thế cho những lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam về may mặc da giày hay không? Theo tôi những ngành nghề đó giờ người lao động Hoa Kỳ đã bỏ và không làm việc nữa”.
Chuyên gia kinh tế Doanh cho rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ được thực hiện ở một mức độ nào đó trong một thời gian nào đó, nhưng sau đó sẽ được điều chỉnh vì chính lợi ích của người dân Mỹ.