Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật ngày 1/7 nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News rằng thỏa thuận mà ông đã đạt được để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân từ phía Bắc Triều Tiên ‘có khả năng không có tác dụng’, tờ Guardian và CBS News đưa tin.
Ông Trump đưa ra nhận định này một ngày sau khi có tin rằng Bình Nhưỡng đang gia tăng hoạt động làm giàu uranium tại các địa điểm bí mật.
Ông Trump đã bị hỏi dồn liệu ông có tin tưởng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, người mà ông đã gặp thượng đỉnh hồi tháng trước ở Singapore và là người mà ông cho rằng ông có sự hiểu nhau tốt, sẽ thực hiện lời hứa hủy bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng hay không.
“Tôi đã đạt được thỏa thuận với ông ấy. Tôi đã bắt tay với ông ấy. Tôi thật sự tin rằng ông ấy thật lòng,” ông Trump nói. “Giờ đây, liệu có khả năng không? Tôi đã từng có những thỏa thuận, anh đã từng có những thỏa thuận mà sau đó mọi người không làm đúng hay không? Điều đó là có khả năng.”
Lời phát biểu này của ông Trump đã đảo ngược tuyên bố của ông khi trở về từ Singapore rằng Bắc Triều Tiên đã chấm dứt tham vọng hạt nhân của mình.
“Vừa mới hạ cánh – một chuyến bay dài, nhưng giờ đây mọi người có thể cảm thấy an toàn hơn nhiều so với khi tôi vừa mới nhậm chức,” ông viết trên Twitter hôm 13/6, một ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. “Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Gặp Kim Jong Un là một trải nghiệm thú vị và rất tích cực. Bắc Triều Tiên có tiềm năng lớn cho tương lai!”
Ông cũng tìm cách giảm nhẹ cái giá mà mọi người cảm nhận được nếu thỏa thuận công bố bị đổ vỡ bằng cách nói rằng cuộc đàm phán của ông với Bắc Triều Tiên là đạt được ‘mà không phải nhượng bộ gì’.
“Chúng tôi không cho cái gì cả,” ông nói. “Hãy nghĩ về việc này. Tôi đã làm gì, khi quý vị nghĩ về nó? Tôi đã đến đó, vậy là các báo đưa tin ‘Ông ấy đến đó, có nghĩa là tôi đến Singapore. Chúng tôi đã có một cuộc gặp. Chúng tôi không làm gì cả.”
Thật sự, ông Trump đã đồng ý chấm dứt một loạt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc vốn nhằm để răn đe Bình Nhưỡng. Trong cuộc phỏng vấn với Fox, ông nói các cuộc tập trận này, mà ông gọi là ‘trò chơi chiến tranh’, ‘quá tốn kém’.
“Họ cứ ném bom khắp nơi mỗi sáu tháng,” ông nói, “Nó tốn kém không thể tin được. Những máy bay đó bay đến từ Guam, những máy bay ném bom cỡ lớn đó. Thật điên khùng.”
Trong khi đó, ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể được dỡ bỏ trong vòng một năm.
NBC News và báo Washington Post đưa tin Bắc Triều Tiên đã cố gắng che giấu các hoạt động hạt nhân của họ. Hồi đầu năm, nhóm giám sát có tên là ‘Vĩ tuyến 38 độ Bắc’ cho biết Bắc Triều Tiên đã có những tiến bộ nhanh chóng hướng tới một lò phản ứng hạt nhân.
Xuất hiện trên chương trình ‘Face the Nation’ của đài CBS, ông Bolton nói rằng ông không muốn bình luận gì về những thông tin này hay ‘bất cứ điều gì liên quan đến thông tin tình báo’ – kênh NBC dẫn lời một số quan chức tình báo cấp cao của Mỹ.
Ông Bolton nói rằng ông Trump ‘không hề bị ông Kim xỏ mũi’ và rằng ông Trump ‘ý thức rất rõ về cách hành xử của Bắc Triều Tiên qua hàng chục năm đàm phán với Bắc Mỹ’.
Ông nói: “Chúng tôi biết đích xác nguy cơ họ sử dụng các cuộc đàm phán để kéo dài thời gian để tiếp tục các chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học và tên lửa đạn đạo.”
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng ông Kim ‘nói rất nhấn mạnh nhiều lần ở Singapore rằng ông ấy khác với các chế độ tiền nhiệm’.
“Chúng tôi đã xây dựng một chương trình,” ông Bolton nói, “về việc làm sao để thật sự dỡ bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo của họ trong vòng một năm”.
“Nếu họ đã có quyết định chiến lược để làm điều đó và nếu họ hợp tác, chúng ta có thể tiến rất nhanh.”
“Bắc Triều Tiên sẽ có lợi thế nếu nhanh chóng dỡ bỏ những chương trình này bởi vì khi đó các loại trừng phạt mới bị hủy bỏ và viện trợ từ Hàn Quốc và Nhật Bản và các nước khác đều có thể bắt đầu đổ vào.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ sắp sửa công du đến Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong-un. Truyền thông Hàn Quốc hôm Chủ nhật ngày 1/7 đưa tin rằng ông Sung Kim, đại sứ Mỹ tại Philippines, đã có các cuộc thảo luận trù bị với các quan chức Bắc Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Trong khi đó, một nhân vật diều hâu hàng đầu về chính sách đối ngoại của Thượng viện, đã có giọng điệu ít mang tính ngoại giao hơn. Trả lời phỏng vấn trên chương trình ‘Meet the Press’ của Đài NBC, ông Lindsey Graham của tiểu bang South Carolina nói rằng Bắc Triều Tiên ‘sẽ hối tiếc’ nếu các cuộc đàm phán về hạt nhân đổ vỡ.
“Tôi không muốn chiến tranh với Bắc Triều Tiên,” ông Graham. “Cơ hội tốt nhất cuối cùng để chấm dứt chiến tranh là họ chấm dứt chương trình hạt nhân của họ một cách hòa bình… nếu họ không nắm bắt cơ hội đó, nếu họ chơi xỏ Trump như họ đã từng chơi xỏ những người khác thì họ sẽ phải hối tiếc.”