Trong lịch sử, sự thay đổi quyền lực thường mang tính cách bạo động, bất ổn, xáo trộn, và có khi còn máu đổ đầu rơi hay chiến tranh nữa. Cho đến khi nền dân chủ đích thực ra đời, trong đó người dân thay đổi quyền lực chính trị bằng chính tiếng nói/lá phiếu của họ.
Sự chuyển giao quyền lực chính trị trong các nền dân chủ thường mang tính ổn định và hiệu quả, dù ai hay đảng nào lên nắm quyền đi nữa. Đó là một trong những khác biệt lớn nhất so với các thể chế phi dân chủ, bán dân chủ hay độc tài.
Nhưng cuộc chuyển giao quyền lực kỳ này quả là chưa từng có trong lịch sử.
Trước khi bàn về những vấn đề chuyển giao quyền lực từ chính quyền Trump sang Biden, bài này xin chia sẻ vài khía cạnh lịch sử trước.
Vào ngày 12 tháng 4 năm 1945, trong lúc quân đội đồng minh tiến về phía Bá Linh, cách khoảng 80km, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt (FDR) đã bị một cơn xuất huyết não lớn và qua đời [1]. Ông không sống để nhìn thấy sự kết thúc của Hitler và đầu hàng của Đức chỉ vài tuần sau đó (8 tháng 5 năm 1945).
Sử gia Doris Kearns Goodwin kể rằng, ông FDR qua đời vào 3:30 giờ chiều. Bác sĩ gọi đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, trong lúc bà đang đi thuyết trình và tham dự buổi trình diễn dương cầm sau đó. Về đến Nhà Trắng, bà Roosevelt mới được cho biết ông FDR đã qua đời. Bà cùng cô con gái Anna thay áo đầm đen, sau đó gọi báo tin cho bốn người con trai, cả bốn đều đang tham chiến trong nhiều vai trò khác nhau lúc đó. Bà triệu tập Phó Tổng thống (PTT) Mỹ, Harry Truman. Truman đến Nhà Trắng lúc 5:30 giờ chiều, lúc đó Truman chưa biết gì. Bằng giọng nói bình tĩnh và nhẹ nhàng, bà Roosevelt nói: “Harry, tổng thống đã qua đời”. Khi được Truman hỏi là ông có thể làm gì cho bà không, bà Roosevelt trả lời: “Chúng tôi có thể làm gì cho ông không? Bởi vì chính ông là người đang gặp khó khăn đấy” (Is there anything we can do for you? For you are the one in trouble now.) [2].
Quả thật là PTT Truman đang đối diện với bao nhiêu thử thách. Tuy Mỹ và đồng minh đang chiếm ưu thế, nhưng cuộc chiến vẫn còn một chặng đường xa để đến thắng lợi toàn diện. Vào thời điểm bấy giờ và trước đó, trong truyền thống chính trị Mỹ, Phó Tổng thống không trực tiếp điều hành công việc quốc gia mà chỉ mang giá trị tượng trưng. Truman cũng chỉ gặp riêng FDR vài lần sau cuộc bầu cử [3]. Nên Truman vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiếu thông tin. Dự án Manhattan, tức chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân đầu tiên, bắt đầu vào năm 1939, bí mật đến độ PTT Truman cũng không hề biết vào thời điểm đó [4].
Không lâu sau khi đến Nhà Trắng, Thẩm phán Trưởng của Tối Cao Pháp Viện Harlan Stone đã được gọi vào gấp để làm lễ tuyên thệ cho Tân Tổng thống Truman. 7 giờ tối, TT Truman triệu tập phiên họp nội các đầu tiên. Sau buổi họp, Bộ trưởng Chiến tranh, Henry Stimson, mới tiết lộ cho Truman về dự án Manhattan [5].
Cũng may, Harry Truman là một lãnh đạo tài năng nên đã lèo lái nước Mỹ qua khỏi cuộc chiến và tái thiết thành công thời hậu chiến.
Trong lịch sử Mỹ, sự chuyển giao quyền lực xảy ra thường xuyên mỗi bốn năm, hoặc ngắn hơn. Bình thường, vị tổng thống một nhiệm kỳ, hay hai nhiệm kỳ, phải bắt đầu chuyển giao quyền lực lại cho tổng thống và nội các mới ngay sau cuộc bầu cử. Bất bình thường, là khi tổng thống bị ám sát, như Abraham Lincoln hay John F Kennedy; hay bị buộc từ nhiệm, như Richard Nixon, thì phó tổng thống lên thay.
Công việc chuyển giao quyền lực từ một phó tổng thống lên tổng thống, như trong trường hợp của Harry Truman, đã lắm thử thách rồi. Huống chi từ đảng này sang đảng khác sau khi hoàn tất nhiệm kỳ của mình, dù một hay hai nhiệm kỳ.
Sau biến cố lịch sử năm 1945, quy trình chuyển giao tổng thống Mỹ đã được cải tổ sâu rộng để tránh sự gián đoạn, bởi vì rủi ro và khủng hoảng thì rất lớn, nhất là khi đất nước đang lâm chiến. Trong thời bình thì vẫn có rủi ro nhưng không nguy bách. Nhưng ngay vào lúc cao điểm của chiến tranh, khi quyết định từ lãnh đạo chính trị cao nhất là tối quan trọng, thì sự chậm trễ là điều không thể chấp nhận được.
Nhưng chưa có quy trình chuyển giao quyền lực chính trị nào như Mỹ. Trong 10, 11 tuần này, từ hậu bầu cử đến lễ nhậm chức, vị tổng thống đắc cử phải chuyển đổi trục số từ vận động sang điều hành, và sẵn sàng tiếp nhận vai trò điều hành quốc gia với một nội các và nhân sự làm việc tại Nhà Trắng hoàn toàn mới. Hơn 1,100 viên chức cao cấp về chính sách, mà tất cả đều do vị tổng thống đắc cử có quyền bổ nhiệm và sa thải, phải được tuyển dụng, chỉ định và xác nhận; đây là một quá trình có thể không được hoàn tất cho đến cuối năm đầu tiên của tân tổng thống [6].
Trong nền dân chủ nghị viện, xuất phát từ Anh (được chấp thuận tại Úc, Canada, New Zealand v.v…), sự chuyển giao quyền lực từ đảng này sang đảng khác (đảng chiếm đa số ghế ở Hạ viện chọn người lãnh đạo quốc gia như thủ tướng và phó thủ tướng), phần lớn chỉ xảy ra trong cùng một ngày [7]. Các viên chức đứng đầu guồng máy chính quyền là phi chính trị, được bổ nhiệm để điều hành các bộ phận và cơ quan khác nhau trong một hay nhiều nhiệm kỳ có quy định khoảng thời gian nào đó. Do đó, không có thay đổi nhân sự đáng kể. Những dân biểu và thượng nghị sĩ hàng đầu trong quốc hội của đảng thắng cử sẽ trở thành thành viên của nội các chính quyền mới. Trong khi đó, tại Mỹ, phần lớn các viên chức cao cấp đứng đầu các bộ phận và cơ quan thuộc chính quyền sắp sửa ra đi đang lên kế hoạch cho tương lai của mình. Tuy tổng thống còn đó trong 11 tuần nữa, đầu óc của họ không phải là ưu tiên tập trung điều hành quốc gia. Công bằng mà nói thì cũng rất khó cho những người trong vai trò này điều hành công việc khi quyền lực của họ bị giới hạn, và nhiều chính sách có thể thay đổi sâu rộng sau 11 tuần.
Tóm lại, sự chuyển giao quyền lực luôn có những khó khăn thử thách. Một, trong suốt thời gian này, những khủng hoảng mang tầm quốc tế có nguy cơ xảy ra, như trường hợp của Harry Truman. Vì thế, việc chuyển giao quyền lực luôn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng, một quy trình chi tiết và rõ ràng, từ nhân lực đến tài lực và sách lược. Hai, nó đòi hỏi tinh thần không phân biệt đảng phái, hay lưỡng đảng. Tức biết đặt quyền lợi của quốc gia trên hết. Để sự bàn giao từ tổng thống, bộ trưởng cho đến cả hàng trăm đến ngàn nhân sự hàng đầu của chính quyền mới biết công việc đang ở đâu, thử thách là gì, làm thế nào để giải quyết v.v… được diễn ra suông sẻ. Ba, dù sao thì trên thực tế nó là vấn đề con người. Vì vậy, sẽ luôn có những lấn cấn, xích mích vì khác quan điểm chính trị, cũng như tâm lý của kẻ thắng người thua, chưa kể trong những cuộc bầu cử sát nhau kéo dài tranh chấp. Bên thua cuộc không chịu nhượng bộ, chẳng hạn, thì khó khăn thử thách còn gia tăng bội phần.
Cũng vì các lý do chính đáng trên, mà kể từ năm 1960, đã có những quy trình chuyển giao hẳn hoi và những nỗ lực đáng kể để nghiên cứu sâu sắc, tìm ra các bài học trong lịch sử Mỹ và thế giới. Qua đó, mới có nhu cầu tạo ra các ngành học quan yếu về quản trị công cộng (public administration), điển hình là Trường Chính phủ Kennedy (Kennedy School of Government, bây giờ gọi là Harvard Kennedy School), cho các thế hệ lãnh đạo quốc gia mới về quản lý quốc gia. Kể từ năm 1963 thì quy trình chuyển giao tổng thống cũng được trở thành luật một cách chính thức. Giáo sư Richard Neustadt là người có công lớn nhất trong lĩnh vực này, còn được gọi là người giám hộ của tổng thống (Guardian of the presidency) [8]. Điều này giúp cho cả hai bên, bên đang sắp mãn nhiệm và bên đang chuẩn bị nhậm nhiệm, thực hiện tiến trình thay đổi này một cách hiệu quả nhất có thể.
Tuy vậy, quy trình chuyển giao quyền lực tổng thống mà đã hiệu quả phần nào bấy lâu nay dường như không tiên đoán được tình huống có vẻ bất định đang xảy ra như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Editors, “FDR dies”, History.com; Accessed on 14 November 2020.
2. Doris Kearns Goodwin, No Ordinary Time: Franklin and Eleanor Roosevelt: The Home Front in World War II, Simon & Schuster; Illustrated edition (1 October 1995).
3. Editors, “Harry S. Truman”, History.com; Accessed on 14 November 2020.
4. Editors, “Manhattan Project”, History.com; Accessed on 14 November 2020.
5. Scott Bomboy, “Looking back at the day FDR died”, National Constitutional Centre, 12 April 2020.
6. Harrison Wellford, “Avoiding the Hazards of Transition: Neustadt’s Lessons”, trang 53, trong tác phẩm Guardian of the Presidency, The legacy of Richard E. Neustadt, edited by Matthew J. Dickinson and Elizabeth A. Neustadt, The Brookings Institution, 2007.
7. The Editors, “Parliamentary system”, Encyclopaedia Britannica; Accessed on 14 November 2020.
8. Edited by Matthew J. Dickinson and Elizabeth A. Neustadt, Guardian of the Presidency, The legacy of Richard E. Neustadt, The Brookings Institution, 2007.