Hai sự kiện: Bà quả phụ Trịnh Văn Bô – nhũ danh Hoàng Thị Minh Hồ - qua đời hôm 5 tháng 11 và tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 - đề nghị chi tiền để tìm kiếm, an táng hài cốt của 2.500 người lính tử trận cách nay ba thập niên tại Hà Giang… là những ví dụ mới nhất minh họa cho tình nghĩa của những người cộng sản.
***
Trên số ra ngày 7 tháng 11, tờ Thanh Niên vừa lược thuật thêm một lần nữa về “nỗi buồn nhân đôi” của gia tộc cụ Trịnh Văn Bô.
Vợ chồng cụ Bô là những doanh nhân “hằng tâm, hằng sản” với chính quyền CSVN. Ngoài chuyện bí mật đóng góp cho Việt Minh hàng vạn đồng bạc Đông Dương, tháng 8 năm 1945, ngay sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, họ đã dành căn nhà số 48 phố Hàng Ngang cho giới lãnh đạo Việt Minh cư trú. Rồi để chính quyền Việt Minh có tiền chi dùng, vợ chồng cụ Bô đã hiến 5.147 lượng vàng.
Theo lời cụ Hoàng Thị Minh Hồ kể với tờ Thanh Niên năm 1990 thì 1.000 trong số 5.147 lượng vàng ấy đã được ông Nguyễn Lương Bằng – Đặc phái viên của chính quyền Việt Minh – đem hối lộ hai viên tướng chỉ huy 20.000 quân của Trung Hoa Dân Quốc được phe Đồng minh điều động vào miền Bắc Việt Nam giải giáp quân đội Nhật để hai viên tướng này làm ngơ cho Việt Minh vừa tập tễnh nắm chính quyền, củng cố, phát triển thực lực.
Không có số vàng khổng lố ấy lịch sử Việt Nam có thể đã khác!
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai bùng nổ, vợ chồng cụ Bô bỏ hết nhà cửa, tài sản theo Việt Minh vào chiến khu. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, họ theo Việt Minh trở về Hà Nội. Ngoài việc hiến căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, họ còn đáp ứng đề nghị của Bộ Quốc phòng – cho mượn biệt thự 34 Hoàng Diệu trong hai năm.
Biệt thự 34 Hoàng Diệu trở thành tư gia của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Hết hai năm, tướng Thái bảo vợ chồng cụ Bô rằng quân đội vẫn còn cần đến biệt thự này và sẽ hoàn trả khi “đất nước thống nhất”.
Vợ chồng cụ Bô đành chờ đến sau tháng 4 năm 1975 mới xin nhận lại nhà. Năm 1988, cụ Bô qua đời khi nguyện vọng chính đáng của ông vẫn chưa được đáp ứng. Thập niên 1990, trao lại biệt thự 34 Hoàng Diệu cho chủ của nó từng là chủ đề được nhiều cơ quan truyền thông tại Việt Nam tham gia bàn luận trong một thời gian dài. Dù các viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nghỉ hưu lẫn đương nhiệm cùng khẳng định đó là “đạo lý”, dứt khoát phải thực hiện nhưng cụ Hoàng Thị Minh Hồ và con cháu vẫn phải chờ. Năm 1994, chính phủ Việt Nam giao cho cụ Hoàng Thị Minh Hồ quyết định “tặng” gia đình Trịnh Văn Bô biệt thự 34 Hoàng Diệu vì “đã có những đóng góp to lớn cho đất nước”. Năm sau (1995) đột nhiên có lệnh… hoãn thi hành quyết định “tặng” biệt thự 34 Hoàng Diệu.
Qua VOA, nhà báo Bùi Tín tiết lộ, sở dĩ gia đình cụ Bô không thể nhận lại biệt thự 34 Hoàng Diệu vì sau khi Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận nhà mới, dọn ra khỏi biệt thự này (1978), ông ta giao lại biệt thự cho vợ chồng con gái sử dụng!
Năm 2003, vào thời điểm biệt thự 34 Hoàng Diệu vắng chủ, con cháu cụ Hoàng Thi Minh Hồ đã cõng cụ xâm nhập biệt thự rồi ở lì tại đó cho đến giờ. May là cụ Hoàng Thị Minh Hồ và con cháu không bị cưỡng chế. Tuy nhiên theo tờ Thanh Niên, đến nay, sau 14 năm gia đình cụ Bô “tái chiếm hữu tài sản” của họ, chính quyền Việt Nam vẫn chưa tái xác nhận vợ chồng cụ Bô có quyền sở hữu biệt thự 34 Hoàng Diệu.
***
Hai ngày trước khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ qua đời, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, bảo với các đồng viện là còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại các cao điểm 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220, 1.030,…
Tướng Cò không cung cấp chi tiết nhưng dựa vào diễn biến xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung, người ta tin rằng những liệt sĩ này đã đền nợ nước trong các đợt phản công - tái chiếm, phòng vệ lãnh thổ giai đoạn từ giữa năm 1980 đến đầu năm 1987 ở Hà Giang.
Lý do chính khiến cha mẹ nhiều liệt sĩ chờ cho tới chết vẫn chưa nhận được hài cốt của con là vì… giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam chưa cấp tiền để tìm kiếm, mang hài cốt của các liệt sĩ về nhà.
Tướng Cò khẳng định với các đồng viện rằng chỉ cần cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần thì trong hai năm 2018 và 2019, quân đội sẽ đưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ về với gia đình, về với quê hương.
Sau hơn 30 năm phơi mưa nắng trên những dãy núi đá ở Hà Giang, có bao nhiêu trong số 2.500 hài cốt này còn nguyên vẹn và có thể xác định được danh tính? Tại sao Bộ Quốc phòng phải chờ hơn 30 năm mới đốc thúc Quốc hội chuẩn chi? Phải chăng vì tìm kiếm – an táng hài cốt những người lính đền nợ nước trong cuộc chiến chống Trung Quốc, bảo vệ lãnh thổ sẽ ảnh hưởng đến “quan hệ Việt – Trung” và việc thực thi “tinh thần bốn tốt”, “phương châm 16 chữ vàng” nên cả liệt sĩ lẫn thân nhân cùng phải chờ tới… thời điểm thích hợp?
Rồi ngoài Hà Giang với 2.500 hài cốt đang phơi mưa nắng, bao giờ thì Bộ Quốc phòng tính đến chuyện tìm kiếm, an táng hài cốt những liệt sĩ tử trận ở Cao Bằng, Lạng Sơn trong giai đoạn 1979 - 1981?
Dường như hài cốt của hàng chục ngàn liệt sĩ (bao gồm cả những người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến từ 1945 – 1954, 1954 – 1975), sự khắc khoải của hàng trăm ngàn người khi thân nhân chưa “mồ yên, mả đẹp”, vẫn bị xem là chưa “thấu tình”, không “tận nghĩa” bằng các tượng đài, bảng đồng, bia đá, lễ tưởng niệm được tổ chức rầm rộ hàng năm. Cũng vì vậy, hồi cuối tháng 7 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm “Ngày Thương binh Liệt sĩ”, dù vẫn còn nhan nhản những trường hợp như vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô, như 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng trên những dãy núi đá ở Hà Giang, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, vẫn dõng dạc khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Chúng ta nguyện sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân, với những người đã hết lòng hy sinh vì dân, vì nước”.