Đường dẫn truy cập

Triều Tiên có thể đưa người sang giúp xây dựng các lãnh thổ Nga chiếm của Ukraine


Công nhân Triều Tiên đóng giày tại một ngôi làng gần thành phố Đan Đông, Trung Quốc.
Công nhân Triều Tiên đóng giày tại một ngôi làng gần thành phố Đan Đông, Trung Quốc.

Trong lúc cuộc chiến ở Ukraine kéo dài sang tháng thứ bảy, Triều Tiên tỏ dấu cho thấy muốn đưa công nhân xây dựng sang giúp tái thiết các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm đóng ở phía đông Ukraine.

Ý tưởng này được các quan chức và giới ngoại giao cấp cao của Nga công khai tán thành, những người thấy trước được rằng một lực lượng lao động chăm chỉ giá rẻ có thể bị đẩy vào “những điều kiện khắc nghiệt nhất”, một thuật ngữ mà đại sứ Nga tại Triều Tiên đã sử dụng trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Đại sứ Triều Tiên tại Moscow gần đây gặp các phái viên từ hai vùng lãnh thổ ly khai do Nga hậu thuẫn ở khu vực Donbas của Ukraine và bày tỏ sự lạc quan về hợp tác trong “lĩnh vực lao động di cư”, viện dẫn rằng Triều Tiên đang nới lỏng kiểm soát đại dịch tại biên giới.

Các cuộc đàm phán diễn ra sau khi Triều Tiên vào tháng 7 trở thành quốc gia duy nhất ngoài Nga và Syria công nhận nền độc lập của các vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk, ngả thêm về phía Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Việc làm của công nhân Triều Tiên ở Donbas rõ ràng sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt lên Triều Tiên về các chương trình hạt nhân và phi đạn, đồng thời làm phức tạp thêm nỗ lực giải trừ hạt nhân do Mỹ dẫn đầu.

Nhiều chuyên gia không nghĩ rằng Triều Tiên sẽ cử công nhân sang đó trong khi cuộc chiến còn tiếp diễn, với luồng vũ khí phương Tây ổn định giúp Ukraine đẩy lùi lực lượng lớn hơn nhiều của Nga.

Tuy nhiên, họ nói rằng rất có thể Triều Tiên sẽ cung cấp lao động cho Donbas khi cuộc giao tranh lắng dịu để thúc đẩy nền kinh tế của chính họ, vốn bị phá vỡ bởi các lệnh trừng phạt nhiều năm do Mỹ dẫn đầu, do đại dịch đóng cửa biên giới và do nhiều thập niên quản lý yếu kém.

Xuất khẩu lao động cũng sẽ đóng góp vào chiến lược dài hạn của Triều Tiên nhằm tăng cường hợp tác với Nga và Trung Quốc, một đồng minh ý thức hệ khác, trong mối quan hệ đối tác mới nổi nhằm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.

Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin nói rằng các công ty xây dựng của Triều Tiên đã đề nghị giúp tái thiết các khu vực bị chiến tranh tàn phá ở Donbas và công nhân Triều Tiên sẽ được hoan nghênh nếu họ đến.

Đó là một sự phá vỡ rõ ràng so với quan điểm của Nga vào tháng 12 năm 2017, khi nước này ủng hộ các chế tài mới của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt lên Triều Tiên vì thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa, yêu cầu các quốc gia thành viên trục xuất tất cả công nhân Triều Tiên khỏi lãnh thổ của họ trong vòng 24 tháng.

Ông Lim Soo-ho, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia, một cơ quan nghiên cứu do tình báo Hàn Quốc điều hành, nói Nga hiện có vẻ háo hức muốn cắt giảm các lệnh trừng phạt đó khi nước này phải đối mặt với một chiến dịch gây áp lực do Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập nền kinh tế Moscow trước sự xâm lược của Nga ở Ukraine.

Ông Lim nói: “Đối với Nga, ý tưởng sử dụng công nhân Triều Tiên để tái thiết sau chiến tranh có giá trị thực sự.” “Một số lượng lớn công nhân xây dựng của Triều Tiên đã đến Nga trong những năm trước và nhu cầu về lao động của họ rất mạnh vì giá rẻ và được biết đến với chất lượng công việc”.

Trước các chế tài năm 2017, xuất khẩu lao động là nguồn ngoại tệ hợp pháp hiếm hoi của Triều Tiên, mang lại hàng trăm triệu đô la mỗi năm cho chính phủ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước đây ước tính rằng khoảng 100.000 người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài trong các công việc do chính phủ sắp xếp, chủ yếu ở Nga và Trung Quốc, nhưng cũng ở châu Phi, Trung Đông, châu Âu và Nam Á.

Các chuyên gia dân sự cho biết những người lao động kiếm được từ 200 triệu đến 500 triệu đô la mỗi năm cho chính phủ Triều Tiên trong khi chỉ bỏ túi một phần tiền lương của họ, thường làm việc vất vả hơn 12 giờ một ngày dưới sự giám sát liên tục của các nhân viên an ninh của đất nước họ.

Trong khi Nga trả một số công nhân Triều Tiên về nước trước thời hạn của Liên hiệp quốc vào tháng 12 năm 2019, một số lượng không rõ bao nhiêu vẫn còn ở lại, tiếp tục làm việc hoặc bị mắc kẹt sau khi Triều Tiên phong tỏa biên giới vì COVID.

Ông Kang Dong Wan, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Dong-A của Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên có thể dễ dàng huy động hàng trăm, thậm chí hàng nghìn công nhân đến Donbas nếu quyết định sử dụng những lao động ở lại Nga.

Nga đang thiếu tiền mặt, chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào các tổ chức tài chính và một loạt các ngành công nghiệp của họ. Triều Tiên có thể không quan tâm đến việc được thanh toán bằng đồng rúp vì lo lắng về sức mua của đồng tiền vốn đã chạm đáy trong những ngày đầu chiến tranh trước khi Moscow thực hiện các bước để khôi phục giá trị một cách giả tạo.

Ông Lim nói, Triều Tiên có thể sẵn sàng được bồi thường bằng lương thực, nhiên liệu và máy móc, một cuộc trao đổi có khả năng cũng vi phạm các chế tài của Hội đồng Bảo an.

Ông Hong Min, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên có thể nghĩ đến những điều lớn lao hơn là lợi nhuận ngắn hạn từ xuất khẩu lao động.

“Sự cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ với Trung Quốc và cuộc đối đầu với Nga đã tạo cơ hội dễ thở cho Triều Tiên khi nước này tiến tới tham gia cùng với Moscow và Bắc Kinh trong một mặt trận thống nhất để chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ và thúc đẩy một hệ thống đa cực,” ông Hong nói.

Triều Tiên đã sử dụng cuộc chiến ở Ukraine để tăng cường phát triển vũ khí, khai thác sự chia rẽ trong Hội đồng Bảo an, nơi Nga và Trung Quốc hồi tháng 5 đã phủ quyết nghị quyết do Mỹ hậu thuẫn nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên về vụ thử trở lại ICBM trong năm nay.

Triều Tiên và Nga cũng đang xem xét các chính sách quan trọng.

Triều Tiên đã nhiều lần đổ lỗi cho Hoa Kỳ về cuộc khủng hoảng Ukraine, nói rằng “chính sách bá quyền” của phương Tây biện minh cho các hành động quân sự của Nga ở Ukraine để tự bảo vệ mình.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần lên án việc hồi sinh các cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc trong năm nay, cáo buộc các đồng minh khiêu khích Triều Tiên và làm trầm trọng thêm căng thẳng.

Ông Nam Sung-wook, giáo sư tại khoa ngoại giao và thống nhất của Đại học Hàn Quốc, là một trong số ít các chuyên gia nhận thấy xuất khẩu lao động Triều Tiên sẽ sớm bắt đầu.

Ông cho biết trong vài tháng tới, với mong muốn giải quyết các vấn đề kinh tế của mình, Triều Tiên có thể cử các nhóm nhỏ công nhân tới Donbas thực hiện “các nhiệm vụ thăm dò” và tăng dần số lượng tùy theo diễn biến của cuộc chiến.

Ông Nam nói: “Các lợi ích đang phù hợp giữa Bình Nhưỡng và Moscow.” “Một trăm hoặc hai trăm công nhân cuối cùng có thể trở thành mười ngàn.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG