Nhà toán học Ngô Bảo Châu vừa phát biểu về trí thức và vấn đề phản biện xã hội. Có một câu rất lạ, lẽ ra không thể từ mồm anh, vì trái hẳn với những điều anh từng nói và từng làm. Anh khẳng định: ”Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vấn đề phản biện xã hội”.
Vậy thì tại sao anh lại phản biện khi ký chung văn kiện chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên? Tại sao anh phản biện xã hội hay, sâu sắc, có sức thuyết phục cao đến thế về vụ xử án phi lý luật sư Cù Huy Hà Vũ?
Anh đã làm theo điều mà anh nói là người trí thức phải dũng cảm, sống có trách nhiệm với xã hội.
Xin hỏi anh nếu cứ mũ ni che tai, chỉ làm theo nghề mình – như anh, nhà toán học Ngô Bảo Châu chỉ nên nghiên cứu về toán – bỏ qua mọi điều ngang trái, bất công, phi lý trong xã hội, cũng vẫn có thể được coi là trí thức thật sự ư? Người trí thức phải có ý thức trước hết về trách nhiệm công dân kia mà. Nhất là khi đất nước lâm nguy, xã hội băng hoại, người trí thức-công dân phải dũng cảm dấn thân hết mình, bền bỉ và thông minh đấu tranh cho kỳ đạt mục đích cứu dân cứu nước.
Vấn đề thứ hai là khi anh nói rằng ”bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Nhưng khi anh hạ bút ký tên vào kiến nghị đòi đình chỉ khai thác bauxite, chính anh đã chọn lề trái, nghĩa là trái với cơ quan ngôn luận chính thống bên lề phải. Ngay cả khi anh tự lập ra mạng Nghiên cứu toán học Ngô Bảo Châu hay khi anh gửi bài viết cho mạng Dân làm báo, anh đã có sự lựa chọn rõ ràng bên lề trái, không theo lề phải, nghĩa là anh đã chọn quyền tự do, không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước. Anh đâu có như con cừu, buộc mình phải theo ai.
Chỉ trong hai vấn đề trên, anh Ngô Bảo Châu trước sau hình như chưa thật nhất quán với chính mình, có lúc tự mâu thuẫn, lập luận chưa thật lô-gích, thiếu chặt chẽ. Do thiếu mạch lạc, thiếu nhất quán như thế nên rất có lợi cho phía quan phương, phía lề phải quan liêu giáo điều, thường xa rời nhân dân và lẽ phải, chuyên lừa dối và ngụy biện; họ sẽ ra sức tận dụng sơ hở của anh.
Hay là trong suy luận của anh có chỗ nào người khác chưa thể thông hiểu được rõ ràng, mong anh lý giải cho ra lẽ.
Tôi không tin những phỏng đoán cho rằng anh mập mờ vì bị bả danh lợi quá lớn, là ngôi nhà sang trọng và Viện toán với ngân khoản to đùng không cần dự chi trước. Tôi không nghĩ đến chuyện đáng buồn như thế. Anh từng tuyên bố luôn luôn cảnh giác với mặt tiêu cực tệ haị của tiền bạc vật chất.
Là nhà khoa học lớn, anh thừa hiểu rằng khoa học phát triển là do không ngừng phủ định những định đề tương đối đúng để thay thế bằng những định đề gần với chân lý hơn. Khoa học là gì nếu không phải là một chuỗi dài vô tận của những phản biện liên miên không bao giờ chấm dứt, làm cho khoa học cả tự nhiên và xã hội phát triển vô cùng tận, vai trò của trí thức do đó ngày càng có ích lớn lao cho cộng đồng nhân loại văn minh.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.