Một tổ chức chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ đã được nói tới trên khắp các mặt báo hồi gần đây sau khi những video quay lén được công bố, trong đó có cảnh những nhân viên của tổ chức này đang thảo luận về những mô thai đã bị phá bỏ có sẵn để phục vụ cho việc nghiên cứu y học. Nhóm chống phá thai quay lén những cảnh đó khẳng định những nhân viên trong các đoạn video đang rao bán những bộ phận em bé; một cáo buộc mà tổ chức y tế nói trên cực lực phủ nhận. Trong khi việc bán mô thai là trái luật ở Mỹ, nhưng việc phá thai và sử dụng những mô thai được hiến tặng nhằm nghiên cứu y học đều hợp pháp, và theo lời các nhà nghiên cứu, là cần thiết cho sự tiến bộ của y học.
Những đoạn video được biên tập một cách kỹ lưỡng đã được bí mật ghi hình và được các thành viên của một nhóm chống phá thai có tên gọi Trung tâm vì Sự tiến bộ Y học công bố.
Các thành viên của nhóm này đã giả làm những người mua mô thai vì mục đích nghiên cứu và sau đó cáo buộc các nhân viên của tổ chức Làm cha mẹ Có kế hoạch đã thảo luận việc bán các bộ phận cơ thể của em bé cho họ. Làm cha mẹ Có kế hoạch là một tổ chức chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ do chính phủ tài trợ và đồng thời cũng thực hiện những vụ phá thai.
Đây là một lời cáo buộc mà chủ tịch của tổ chức Làm cha mẹ Có kế hoạch, bà Cecile Richards, mạnh mẽ phủ nhận. Bà nói rằng tổ chức của bà chỉ tính tiền để trang trải các chi phí:
“Tôi muốn nói rõ là lời tố cáo cho rằng tổ chức của chúng tôi thu lợi từ việc hiến tặng mô thai là không đúng. Các chương trình hiến tặng của chúng tôi, giống như những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao khác, tuân theo luật pháp và các quy định về đạo đức.”
Trong khi việc lấy lợi nhuận từ những vụ hiến tặng mô thai ở Mỹ là bất hợp pháp, các tổ chức có thể cung cấp mô thai vì mục đích nghiên cứu y học nếu người mẹ đã cho phép.
Họ cũng có thể yêu cầu được trả tiền cho những chi phí liên quan như thu thập, lưu trữ, và vận chuyển mô thai.
Nhưng những nhà lập pháp bảo thủ như Thượng nghị sĩ Tim Scott của tiểu bang South Carolina và bà Joni Ernst của tiểu bang Iowa nằm trong số những người Mỹ cho rằng việc làm này là sai trái. Ông Scott nói:
“Đây là vấn đề về nhân tính. Tôi đã rất buồn và không thể kìm nước mắt khi xem những đoạn video này. Tôi nghĩ người dân ở đất nước chúng ta, ai xem những đoạn video này cũng đều cảm thấy run rẩy đến tận xương tủy.”
Bà Ernst phát biểu:
“Tổ chức Làm cha mẹ Có kế hoạch đang thu thập các bộ phận cơ thể của những em bé chưa chào đời.”
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu y khoa ở Mỹ đã làm việc dùng các mô thai trong nhiều thập niên. Nó đã giúp phát triển vắc xin bại liệt và hiện đang giúp điều trị các bệnh như Parkinson và AIDS.
Nhà sinh học phân tử Akhilesh Pandey sử dụng các mô thai tại phòng thí nghiệm của ông tại Trường đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland. Ông nói:
“Tôi cảm thấy chúng ta đang được hưởng lợi từ rất nhiều những tiến bộ có được trong việc nghiên cứu mô thai; giống như các cuộc thử thai, hay những chỉ dấu cho phép phát hiện ung thư sớm, hoặc những phương pháp điều trị bệnh liên quan tới tế bào hình lưỡi liềm.”
Ông Pandey lưu ý rằng những tế bào thai có thể phát triển và thay thế những tế bào đã mất ở người lớn do bệnh tật:
“Khi chúng được đưa vào cơ thể con người, ví dụ như não, trái tim, hay các khớp, chúng có những thành phần có thể chữa lành.”
Nhưng bất cứ sự sử dụng mô nào từ những phôi thai bị bỏ là trái với luân thường đạo lý, theo lời bà Arina Grossu, giám đốc Trung tâm Phẩm giá Con người của Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, một cơ quan về chính sách công của những người theo Cơ đốc giáo ở thủ đô Washington:
“Những tế bào thai được lấy từ một đứa trẻ chết non hay từ tế bào nhau sau khi người phụ nữ sinh con chẳng hạn thì có thể được dùng, cũng như trong các trường hợp sảy thai. Nhưng trong những trường hợp khi một đứa trẻ phải chết trong quá trình phá thai hay bị giết vì mục đích lấy những mẩu mô đó là không có đạo đức.”
Nhưng ông Pandey tin rằng nếu việc tiếp cận mô thai bị hạn chế, các nhà khoa học sẽ có ít lựa chọn hơn:
“Tôi nghĩ là nó sẽ khiến chúng ta thụt lùi rất nhiều năm và thật không may, trong nhiều trường hợp cùng cực, nó sẽ khiến chúng ta mất thêm rất nhiều thập niên nữa bởi vì chúng ta không chắc những quá trình nào xảy ra ở mô thai trong khi phát triển có thể được tái tạo bằng những phương thức khác.”
Trong khi công chúng tiếp tục tranh luận về câu hỏi nên lấy mô ở đâu, các nhà khoa học như bác sĩ Pandey sẽ tiếp tục dùng những tế bào được phỏng theo để phát triển các vắc xin và những phương cách chữa bệnh tiềm năng cho nhiều loại bệnh khác.