Dãy đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc
Dãy đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc- Người Nhật gọi Senkaku, người Trung Quốc gọi Điếu Ngư.
- Gồm 8 đảo không người ở.
- Nằm trong khu vực có nhiều dầu khí và thủy sản phong phú.
- Diện tích đất tổng cộng của 8 đảo là 6 kilomet vuông.
Các nhà phân tích cho rằng vụ tranh chấp lãnh thổ mỗi ngày một gay gắt hơn giữa Nhật Bản và Nam Triều Tiên có thể phương hại tới chính sách của Mỹ ở khu vực Á châu Thái bình dương.
Vụ tranh chấp đã leo thang hồi tuần trước, khi Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung Bak đến thăm quần đảo không người ở mà cả Nam Triều Tiên lẫn Nhật Bản đều tuyên bố có chủ quyền. Tokyo đã triệu hồi đại sứ để phản đối. Ông Lee Myung Bak là tổng thống đầu tiên của Nam Triều Tiên đến thăm quần đảo Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima.
Quan hệ giữa Tokyo và Seoul lâu nay vẫn có nhiều sóng gió, một phần là vì tình cảm bài Nhật còn tồn đọng từ ách cai trị thực dân khắc nghiệt của Nhật ở bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 cho tới năm 1945.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland hôm thứ hai đã lên tiếng thúc giục Nam Triều Tiên và Nhật Bản hàn gắn những sự đổ vỡ trong quan hệ song phương, nhưng bà cũng tái khẳng định là Washington không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp.
Ông David Fouse, một chuyên gia về Đông Bắc Á của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á châu-Thái bình dương ở Haiwaii, cho đài VOA biết rằng sự thiếu hợp tác giữa hai đồng minh then chốt của Mỹ tạo ra những mối rủi ro cho một yếu tố chính trong chính sách “trục xoáy Á châu” của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Ông Fouse nói: "Washington đang trông mong tất cả các nước đối tác và các nước đồng minh làm thêm nhiều hơn nữa để duy trì quyền lợi chung và sự liên lạc giữa các nước trên thế giới và đóng góp thêm nữa cho khung sườn an ninh khu vực. Và nếu hai nước đối tác của chúng ta không thể hợp tác với nhau, tôi nghĩ rằng điều đó gây phương hại cho mục tiêu của chúng ta."
Hồi tháng 6, Nam Triều Tiên đã hoãn lại việc ký kết một hiệp định mà lẽ ra là hiệp định quân sự đầu tiên mà họ ký kết với Nhật Bản kể từ năm 1945.
Ông Jonathan Blaxand, một nhà phân tích an ninh của Đại học Quốc gia Australia, cho biết sự chống đối trong nội bộ Nam Triều Tiên là nguyên do chính đưa tới chỗ hủy bỏ việc ký kết hiệp định về chia sẻ thông tin tình báo.
Ông Blaxand cho biết: "Điều mà chúng ta đang chứng kiến là một sự việc có tiềm năng là một sự việc đánh lạc hướng dư luận có ích rất đáng kể cho Tổng thống Lee Myung Bak trong lúc ông ấy phải đối mặt với những vấn đề liên quan tới người anh của ông ấy và những cáo giác tham nhũng khác. Cho nên việc khơi động tình cảm dân tộc quả thật là một việc tiện lợi để làm trong lúc này."
Ông Blaxand thừa nhận là vụ tranh chấp với Nhật Bản mới đây là một việc nghiêm trọng, nhưng ông cho rằng tình hình có thể thay đổi sau cuộc bầu cử ở Nam Triều Tiên vào tháng 12 mà Tổng thống Lee Myung Bak không được quyền tái tranh cử.
Tuy vậy, vào lúc này tình hình dường như vẫn tiếp tục xuống cấp. Hôm thứ hai, truyền thông Nhật Bản cho biết Tokyo đang xét tới việc tạm ngưng cuộc thảo luận song phương vốn được ấn định diễn ra vào tháng tới tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Nga. Nhật Bản cũng nói rằng họ có thể đưa vụ tranh chấp lãnh thổ với Nam Triều Tiên ra trước Tòa án Quốc tế.
Ông David Fouse của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á châu-Thái bình dương nêu ra rằng Trung Quốc là nước có thể hưởng lợi từ sự căng thẳng đang diễn ra giữa Seoul và Tokyo. Ông cho rằng Bắc Kinh luôn hoan nghênh bất kỳ sự trở ngại nào trong công cuộc hợp tác an ninh giữa Nhật Bản với Nam Triều Tiên.