Các vụ giết người trong tuần trước ở Paris được thực hiện bởi các phần tử chủ chiến tìm cách trả thù cho Tiên tri Mohammad.
Khi họ tấn công toà soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, và một tiệm tạp hoá Do Thái, họ đã giết những hoạ sĩ vẽ tranh châm biếm quá khích và những người Do Thái mua thực phẩm đặc sản của mình, bắn chết một cảnh sát viên Hồi giáo, và khơi nguồn cho một cuộc tranh luận sôi nổi về báng bổ, cuồng tín và các hạn chế quyền tự do phát biểu.
Cũng như mọi nước Âu châu khác, Pháp có những luật lệ chống nạn bài Do Thái và bài ngoại. Và nhiều nước có khối dân đa số theo Hồi giáo coi việc mô tả Tiên tri Mohammad và chỉ trích đạo Hồi là phạm pháp.
Hoa Kỳ không có những luật lệ như thế. Phần lớn các tổ chức dân quyền Hồi giáo và Do Thái ở Mỹ lập luận rằng những biện pháp như vậy không có tác dụng ngăn chặn các vụ tấn công vì lý do chủng tộc hay tôn giáo.
Ông David Friedman thuộc Liên đoàn Chống Phỉ Báng, còn gọi tắt là ADL, nói “Chúng tôi nghĩ rằng, theo đúng luật, bày tỏ ý kiến là điều làm cho xã hội phong phú, ngay cả khi đó là những cảm nghĩ xấu xa.”
Trong tư cách là phối hợp viên thi hành công lực của ADL, ông Friedman hợp tác với các sở cảnh sát để giúp họ nhận diện khi nào bài Do Thái là một yếu tố chủ động trong những tội ác gọi là thù hận.
Ông Friedman nói chỉ vì mọi người có thể có quyền xúc phạm người Hồi giáo không có nghĩa là họ nên làm như thế.
Ông nói, “Trong một thế giới mà sự nhạy cảm của mọi người rất lớn, xát muối vào các vết thương hay xoa mũi mà nói, ‘Chúng ta có thể làm việc này,’ không nhất thiết giúp chúng ta trở thành một thế giới tử tế hơn, bác ái hơn, và thông cảm nhau hơn.”
'Vai kề Vai'
Năm 2010, các cuộc biểu tình đã bùng ra ở Hoa Kỳ chống lại một đề nghị xây một ngôi đền Hồi giáo gần địa điểm xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, và cũng vì vụ một mục sư ở Florida doạ đốt kinh Quran. Đáp lại, một nhóm giáo sĩ đa tôn ở Washington đã lập một nhóm có tên là Vai kề Vai, nhắm ngăn chặn chủ nghĩa bài Hồi giáo.
Ông Haris Tarin thuộc Hội đồng Công vụ Hồi giáo nói tổ chức Vai kề Vai và các chiến dịch khác đã thuyết phục các ký giả Mỹ rằng những tranh biếm hoạ Tiên tri Muhammad, như những bức xuất hiện trên báo Charlie Hebdo cũng như trên tờ báo Jylland-Posten của Đan Mạch cách đây 1 thập niên, là có tính cách xúc phạm.
Ông nói: “Mặc dầu chúng tôi không có luật lệ nào cấm báo chí in lại những hình biếm hoạ, chúng tôi đã từng chứng kiến là khi các hình biếm hoạ được đăng tải, thì báo chí Mỹ không in các hình ấy.
Ngược lại, ông Tarin nói việc cấm ngặt phỉ báng đạo Hồi, như tại các nước có khối dân đa số là Hồi giáo, hiếm khi mang tính công bằng.
Ông giải thích: “Ở những nơi như Pakistan, Indonesia, Ai Cập, khi chúng ta có chính phủ với những luật lệ chống báng bổ tôn giáo, thì luật đó thường được sử dụng cho mục đích chính trị. Nó được sử dụng để chống lại khối người thiểu số, nó được dùng để chống lại những người không có quyền thế và không thuộc khối đa số.”