Bộ Công an Việt Nam vừa ban hành Thông tư 17/2018/TT-BCA, Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an.
Cuối năm ngoái, dự thảo Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an vừa kể đã từng là nguyên nhân dấy lên sự lo ngại của toàn xã hội vì ý tưởng trang bị vũ khí cho công an cấp xã. Chẳng riêng dân chúng mà một số đại biểu Quốc hội, viên chức hành chính thuộc nhiều cấp cũng cảm thấy không ổn.
Ví dụ vào thời điểm ấy, qua tờ Tuổi Trẻ, ông Vĩnh Linh, làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum, nhấn mạnh đó là chuyện “tuyệt đối không nên” bởi đa số công an các xã chưa được đào tạo bài bản, chưa đáp ứng tiêu chuẩn của lực lượng vũ trang, thành ra “lợi bất cập hại” vì không thể kiểm soát được việc quản lý và sử dụng súng của lực lượng này, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn, có thể gây dẫn đến nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp thật sự cần thiết để giữ gìn an ninh ở những địa bàn nóng về tội phạm thì nhất thời có thể giao súng cho công an xã song phải thu hồi ngay khi mọi chuyện trở lại bình thường.
Sau nửa năm chần chừ, cuối cùng, Bộ Công an Việt Nam cũng ban hành Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an. Trong đó, từ đầu tháng tới, không chỉ công an xã được trang bị các loại vũ khí (súng ngắn, súng trường, tiểu liên), mà ngay cả công an huyện cũng được trang bị thêm những loại vũ khí có tính hủy diệt cao như (lựu đạn, mìn, bom, súng chống tăng), những phương tiện chiến tranh mà tại Việt Nam, các đơn vị quân đội ở cấp quân đoàn mới có thể có (trực thăng).
Ai cũng biết phạm vi trách nhiệm của công an chỉ được gói gọn trong bảo vệ - duy trì trật tự, trị an, vậy thì tại sao lại chủ trương trang bị cho công an cả lựu đạn, mìn, bom, súng chống tăng... - những thứ vũ khí chỉ dùng vào việc hủy diệt kẻ thù? Thời điểm ban hành Thông tư 17/2018/TT-BCA cũng đáng để ý – nó ra đời ngay sau khi các cuộc biểu tình phản đối hai dự luật (Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt và An ninh mạng) bùng lên trong toàn quốc – phải chăng hệ thống công quyền Việt Nam muốn răn đe công chúng rằng công an sẵn sàng hủy diệt tất cả nếu họ dám phản kháng?
***
Sau khi những cuộc biểu tình chống thái độ trịch thượng, hành động hung hăng của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông bùng lên trên toàn quốc, dù răn đe, thậm chí đã trừng trị nhiều cá nhân một cách hết sức tàn bạo vẫn không thể chặn đứng được, năm 2009, hệ thống công quyền Việt Nam cho phép Bộ Công an Việt Nam thành lập Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động. 12 Trung đoàn Cảnh sát Cơ động rải khắp Việt Nam có lẽ là những đơn vị được trang bị đầy đủ nhất trong số các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (bao gồm cả quân đội): Ngoài mũ chuyên dụng, giáp bảo vê thân trên còn có giáp bảo vệ tay, chân, khiên,… còn có đủ loại xe chuyên dụng bọc thép để khống chế, trấn áp đám đông… rồi cảnh khuyển,…
Hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động thường xuyên được quảng bá rộng rãi, đặc biệt là các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát Cơ động thường xuyên… diễn tập vào các thời điểm bị cho là “nhạy cảm” – đã hoặc sẽ bùng phát hoạt động phản kháng, tại những khu vực bị xem là “điểm nóng” do số lượng người phản kháng chủ trương, chính sách quá đông. Thế nhưng hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động dường như càng ngày càng… kém hiệu quả, các thành viên của lực lượng này càng ngày càng dễ thoái bộ, đầu hàng.
Tháng 4 năm ngoái, 18 cảnh sát cơ động đầu hàng dân chúng xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, 15/18 tự nguyện ở lại làm con tin không chỉ gây rúng động dư luận xã hội mà còn làm hệ thống công quyền, trong đó có lực lượng công an bàng hoàng. Tháng 6 năm nay, hàng trăm video clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet, cho thấy, ở Công ty Pouyen (quận Bình Tân, TP.HCM), rồi tại Phan Rí, Phan Thiết (Bình Thuận), nhiều nhóm cảnh sát cơ động bị dân chúng dồn đến chân tường, thậm chí tự nguyện cởi giáp, vứt bỏ các trang bị chuyên dụng để được phóng thích…
Nhìn một cách tổng quát, ý tưởng – nỗ lực xây dựng, phát triển một lực lượng chuyên răn đe, trấn áp đã bất thành. Khi dân chúng không còn tin hệ thống công quyền hiện hữu không những không phải là của mình, do mình và vì mình, thậm chí còn nguy hại cho tương lai của chính mình và con cháu mình, răn đe là vô tác dụng, chẳng lực lượng nào có thể đối đầu với đám đông gấp hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lần mình. Mặt khác, với bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay, bao nhiêu cảnh sát cơ động thật sự hài lòng về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, môi trường sống, thuế khóa, lương bổng,… và thành tín tương lai của con cháu mình sẽ tươi sáng để liều chết bảo vệ hệ thống công quyền vốn vẫn bị cáo buộc là nguyên nhân của vô số vấn nạn càng ngày càng trầm kha mà chính họ cũng như thân nhân của họ cùng là nạn nhân như hàng chục triệu người khác?
Còn trấn áp? Có lẽ giới lãnh đạo Việt Nam thừa hiểu hậu quả cả ở hiện tại lẫn tương lai, trong phạm vi Việt Nam lẫn bình diện quốc tế nếu ra lệnh cho cảnh sát cơ động, hoặc tệ hơn điều động quân đội xả súng vào đám đông, dùng thiết giáp chà xát đám đông. Những câu chuyện ở Liên Xô, Đông Âu vào thập niên 1990, các quốc gia thuộc khối Ả Rập vào thập niên 2000,… số phận của những Nicolae Ceausecu (Tổng Bí thư Đảng Lao động, Tổng thống Romania), Slobodan Milosevic (Tổng thống Romania),… đủ để làm nguội những cái đầu rất nóng, ngay cả khi những cái đầu ấy đinh ninh “còn Đảng” mới… “còn mình”.
Có lẽ chưa bao giờ và không có ai tin rằng, đốt, phá, tấn công, gây thương vong cho người khác là điều nên làm. Tuy nhiên phải tự hỏi thêm rằng tại sao dân chúng Việt Nam càng ngày càng dễ nổi loạn? Ngoài chuyện nổi loạn, còn có con đường nào thật sự hữu hiệu để dân chúng trút hết bất bình, xả hết âu lo, dẹp bỏ nghi ngại, cùng hệ thống công quyền kiến thiết quốc gia hay không? Hàng ngàn người bao vây, đốt, phá công thự, công xa, tấn công người thi hành công vụ - điều cách nay một thập niên khó có thể hình dung sẽ xảy ra tại Việt Nam – giờ năm nào cũng có. Cảnh sát cơ động đã thúc thủ. Hệ thống công quyền dù muốn cũng bó tay, chỉ dám xử lý khi các “điểm nóng” đã nguội. Nếu trong tương lai, nhiệt độ của các “điểm nóng” không giảm, các “điểm nóng” không chỉ là những công thự mà còn là những “tư gia” của các thành viên lãnh đạo chính quyền địa phương và lãnh đạo quốc gia thì sao? Cảnh sát cơ động nói riêng, công an, quân đội nói chung có bảo vệ nổi không? Quan trọng hơn những cá nhân được phát đủ loại vũ khí sát thương, thậm chí có khả năng hủy diệt trên diện rộng ấy có cam tâm liều chết để bảo vệ những thứ không những họ không có phần mà còn lấy mất, chiếm luôn cả phần của họ không?
Súng ngắn, súng trường, tiểu liên cho công an xã, lựu đạn, mìn, bom súng chống tăng cho công an huyện,… dọa dẫm như thế quá hoang phí vì không bảo đảm sẽ đạt hiệu quả răn đe. Còn nếu thực sự dám dùng thì ai dám khẳng định dứt khoát sẽ dùng xin mời xưng danh. Không có ai thì cùng thay đổi theo hướng thật sự thiện chí, tích cực đi.