Đường dẫn truy cập

Trấn lột dân trong đại dịch: Ai chịu trách nhiệm?


Dòng người kéo nhau về quê vào ngày 15/8/2021 sau khi TPHCM quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng. Hình minh họa.
Dòng người kéo nhau về quê vào ngày 15/8/2021 sau khi TPHCM quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng. Hình minh họa.

Cứ tưởng Thủ tướng Phạm Minh Chính “lưu ý” trong cuộc họp là để nhắc nhở hay cảnh báo, ai dè tận hôm nay, 2/10/2021, các dấu hiệu trấn lột trong chống dịch phơi bày một cách công khai, giữa thanh thiên bạch nhật.

Sáng ngày 13/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì họp trực tuyến về công tác này trên cả nước. Thủ tướng Chính đặc biệt lưu ý, cùng với phòng chống dịch, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư trong phòng chống dịch Covid-19. Đọc những dòng này, cứ nghĩ là Thủ tướng nhắc nhở, cảnh báo phòng xa, ai dè, từ lúc Thủ tướng “lưu ý” đến nay đã là 2/10, các dấu hiệu tham nhũng trong chống dịch phơi bày một cách công khai, giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng tại sao vẫn chỉ là “dấu hiệu”? Bởi vì, việc điều tra và kết luận cuối cùng về tham nhũng, trên pháp lý đấy là công việc của kiểm sát và tòa án. May thay, xã hội dân sự ở Việt Nam chỉ mới chết lâm sàng, nên vẫn “thoi thóp” các cây bút như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà báo Trân Văn. Tuy không đông đảo, nhưng những “tiếng chim hót trong bụi mận gai” ấy cũng đủ để xã hội phải rùng mình, gê tởm trước các thế lực đội lốt đảng và lực lượng vũ trang trấn lột người dân trong khốn khó và đại họa.

Ai quan tâm thời sự đều biết, Bộ Y tế là người khống chế giá sàn 10 USD (238 000 đồng) cho 1 xét nghiệm (CV số 5378/BYT-KHTC, ngày 07/07/2021). Chưa nói đến nhiều nơi nâng giá lên đến 300 000 đồng – 400 000 đồng, thậm chí có nơi là 730 000 đồng (Bệnh viện Hà Nội – Đồng Văn). Như các nguồn tin từ mạng xã hội, bộ tự xét nghiệm NasoCheck của Đức có giá bán dao động từ 10 EURO – 50 EURO cho 1 hộp gồm 25 xét nghiệm, tùy thuộc vào số lượng mua. Trong siêu thị một tự xét nghiệm NasoCheck có 0,95 EURO. Mua 7 xét nghiệm thì 5,94 EURO. Mua số lớn thì 10 EURO cho 25 xét nghiệm. Trong khi người dân Đức chỉ phải trả khoảng 1 USD cho một tự xét nghiệm, thì người Việt Nam phải trả đến 10 USD. Vậy là người Việt chịu chi phí đắt hơn người Đức đến khoảng 140 lần! Nếu lấy giá xét nghiệm thấp nhất được biết ở Việt Nam là 170 000 đồng (7 USD) và giá cao nhất là 730 000 đồng (30,45 USD) thì người Việt chịu chi phí cho một xét nghiệm đắt hơn người Đức trong khoảng trên 100 lần.

Trong khi các nước sau khi tiêm không phải xét nghiệm thì ở Việt Nam vẫn phải xét nghiệm. Vừa xét nghiệm ở tỉnh này đến tỉnh khác lại phải xét nghiệm. Xét nghiệm liên tục, cưỡng bức. Có trường hợp như bà Lan ở Thuận An, Bình Dương, chính quyền cho phá khoá ập vào nhà, bắt bà đi xét nghiệm như là bắt một tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Giữa những tiếng khóc thét của con trẻ gào lên “Mẹ ơi” mà công an và cảnh sát cơ động vẫn bẻ quặt tay bà như vô hiệu hoá một kẻ khủng bố, lôi xềnh xệch ra ngoài chỉ để… ngoáy mũi (!) Cho tới nay, từ lãnh đạo đến dân thường đều được mục sở thị cảnh “người nách thước, kẻ tay đao/ đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”. Vậy nhưng Bí thư tp. Thuận An Huỳnh Thị Thanh Phương vẫn già mồm: “Việc phá khóa nhà bà Lan, xông vào tư gia, cưỡng bức xét nghiệm chỉ là... hơi nóng vội và mạnh tay”. Bà Bí thư chống chế: “Đã xem video ghi lại cảnh anh em cưỡng bức bà Lan xét nghiệm, nhưng xem xong vẫn thấy... cần phải nghe anh em giải trình lý do vì sao buộc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế như vậy”. Trời đất quỷ thần ơi! Chính quyền này có còn là của dân, do dân và vì dân?

Chuyện công khai chà đạp Hiến pháp và pháp luật, ngang nhiên xâm phạm về chỗ ở, xâm phạm thân thể của công dân, lạm quyền, làm nhục người khác với lý do đang phòng chống đại dịch không chỉ xảy ra ở thành phố Thuận An. Trong năm tháng vừa qua, những hành vi đó xảy ra hầu như ở khắp nhiều nơi. Ngoại trừ Trung Quốc, không có nước nào xét nghiệm toàn thành phố 5 – 10 triệu dân chỉ để truy vài chục ca nhiễm như Việt Nam. Trong khi các nước chỉ xét nghiệm điểm thì Việt Nam lại xét nghiệm đại trà. Được biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu đều không ủng hộ việc xét nghiệm đại trà, vì sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Mặc dầu ông Đam là Phó Thủ tướng, ông Hiếu là chuyên gia y tế đầu ngành. Mặc! Chẳng ai chịu nghe. Thực tế cho thấy, ngay cả ưu tư mà ông Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội – nêu ra cách nay nửa tháng về việc tổ chức xét nghiệm COVID-19 cũng không ngăn được “chiến dịch” thần tốc xét nghiệm trên diện rộng và bành trướng. Quyết đoán để dẫn dắt quốc gia, dân tộc vượt qua thảm họa là thật hay giả? Những sai lầm mà diện mạo giờ càng ngày càng rõ chỉ là ngu dốt hay nhằm hỗ trợ gian ý, kiếm bẫm nhân đại dịch?

TS. Nguyễn Ngọc Chu đã nêu bật nguyên nhân dẫn tới tình trạng xét nghiệm đại trà móc túi dân như trên. Trong số nhiều nguyên nhân, có 3 nguyên nhân chủ đạo cần nhấn mạnh. Nguyên nhân thứ nhất là nhân sự. Dịch Covid đã phơi bày sự yếu kém của nhiều nhân sự cấp cao. Nhân sự cấp cao là của Đảng. Lựa chọn nhân sự cấp cao là công việc của Bộ chính trị. Nguyên nhân thứ hai là sở hữu nhà nước. Vì ngân sách nhà nước mới dẫn đến cách tiêu tiền như vậy. Nếu là sở hữu tư nhân thì đã không có giá xét nghiệm cao và đã không mua nhiều xét nghiệm đến thế. Nguyên nhân thứ ba là do cơ chế. Cơ chế mới dẫn đến cách mua bán thiết bị Y tế và cách xét nghiệm diễn ra như thế.

Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm về quy định giá sàn tối thiểu 238.000 đồng cho 1 xét nghiệm (CV số 5378/BYT-KHTC, ngày 07/07/2021). Đó là căn cứ để những kẻ kiếm tiền lời trên nỗi thống khổ của dân nghèo. Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm, vì đã mua hàng triệu xét nghiệm với giá đắt hơn nhiều giá có thể mua. Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc xác định không đúng chiến lược về xét nghiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế là người chịu trách nhiệm lớn nhất ở Bộ Y tế dù là giao cho ai phụ trách. Lãnh đạo các tỉnh thành cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc xét nghiệm đại trà thuộc phạm vi tỉnh thành của mình. Sau đó là không xác định được đúng giá xét nghiệm. Bộ Y tế là của Chính phủ. Chính phủ đã trao quyền cho Bộ Y tế thì Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động của Bộ Y tế trước quốc dân đồng bào. Nhân sự thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế là do Bộ Chính trị quyết định. Nhân sự Bí thư Tỉnh uỷ các tỉnh thành cũng do Bộ Chính trị quyết định. Cho nên trách nhiệm ở mức độ cao hơn nữa thuộc về Bộ chính trị. Người đứng đầu tổ chức (Tổng bí thư) chịu trách nhiệm lớn nhất.

Trong vài tháng vừa qua, đã có rất nhiều người, nhiều giới thay nhau phân tích. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng vừa không thể đem lại hiệu quả mong muốn, gia tăng nguy cơ lây nhiễm, vừa lãng phí, tạo cơ hội cho một số cá nhân, một số doanh nghiệp trục lợi, vừa làm cho doanh giới, quốc gia thêm kiệt quệ vì chi phí quá lớn nhưng những người có trách nhiệm phớt lờ. Thậm chí ngay cả khi thiên hạ đã tính: Trong chín ngày (từ 8/9/2021 đến 16/9/2021), Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 4.120.000 người cả bằng test nhanh (1.920.000 người), lẫn RT-PCR (2.960.000 người). Kết quả, chỉ có 21 trong số hơn 4,1 triệu người dương tính. Nếu đem tổng chi phí cho đợt xét nghiệm thần tốc trên diện rộng này chia cho 21 ca dương tính, số tiền đổ vào để tìm một ca dương tính với COVID-19 là hơn 20 tỉ đồng, và phong trào vẫn tiếp diễn.

Khi câu chuyện người mẹ đơn thân bị đủ loại lực lượng của chính quyền tấn công ngay trong căn nhà mình ở Bình Dương vẫn còn đang nóng hổi, thì một số bài báo viết tương đối đủ và đúng về sự kiện này đột nhiên mất dạng. Nhiều người thử tìm vào báo Tuổi Trẻ điện tử, nơi nổ phát pháo đầu tiên mang tên “Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người”, thì chỉ còn lại phần thông báo 404, lỗi vì không tìm thấy. Những kẻ làm kiểm duyệt và quan chức ở Thuận An, Bình Dương đang muốn che giấu với ai vậy? Những hành động can thiệp rẻ tiền ấy, có phải đã vô hình trung biến sai lầm của một nhóm cá nhân lạm quyền và không đủ tư cách làm quan tại một thành phố nhỏ, trở thành chuyện “tòng phạm” ở tầm quốc gia, mà tất cả hệ thống đều chịu vết nhơ chung? Việc phủ nhận mọi giá trị luật pháp, chỉ qua một lần “chọt mũi” cũng có thể thực thi dễ dàng, để bảo vệ cho chuyện quan quyền, để xông vào bẻ tay một phụ nữ, lôi ra khỏi nhà trước tiếng khóc thét của trẻ thơ, sự kinh hãi của dân cư. Nếu bỏ qua với hành động và tư duy của lũ “quan nha” địa phương, sớm muộn gì, cũng sẽ là tiền lệ đi đến hủy diệt mọi trật tự trên đất nước này.

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG