Đường dẫn truy cập

Những cuộc tranh luận cần có


Một thành viên tham gia thi tranh luận. (Hình: Trích xuất từ Facebook Teresa Trần Kiều Ngọc)
Một thành viên tham gia thi tranh luận. (Hình: Trích xuất từ Facebook Teresa Trần Kiều Ngọc)

Chủ Nhật 27 tháng 9 vừa qua, người Việt trên mạng xã hội trên Internet đã xem buổi tranh luận trực tuyến với đề tài "Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc," do luật sư Trần Kiều Ngọc, Úc Châu, điều hợp.

Đây là một trong một series gồm 3 cuộc tranh luận kéo dài trong ba tuần với ba đề tài khác nhau.

Sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu, gần 4 năm qua, là đề tài gây tranh cãi, tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Người đứng ra tổ chức các cuộc tranh luận này là luật sư Trần Kiều Ngọc. Nhận thấy sự phân hóa trầm trọng giữa người Việt về vấn đề này, cô Kiều Ngọc cho biết cô mong muốn tạo ra một sân chơi mà người Việt trong và ngoài nước có thể tranh luận với nhau dựa trên các dữ kiện chính đáng khả tín và những lập luận vững vàng chặt chẽ.

“Kiều Ngọc nhận thấy rằng đây là lúc chúng ta cần trao đổi với nhau trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở nhưng vẫn luôn tôn trọng các luận điểm của nhau dù quan điểm trái chiều đến mấy. Và khi chúng ta làm được điều này thì nó cũng cho những người cầm quyền tại Việt Nam thấy rằng tinh thần đối thoại, thảo luận, tranh luận để thuyết phục nhau và tìm giải pháp tốt nhất cho các vấn đề chính trị là điều họ cần tiếp thu, học hỏi, thay vì trù dập và bịt miệng những người khác chính kiến.”

Trên trang Facebook của luật sư Kiều Ngọc cũng có một thư ngỏ tiếng Anh dành cho các bạn trẻ Việt Nam tại hải ngoại. Trong bài này, cô Kiều Ngọc cho biết cô tin tưởng vào giá trị của lý lẽ và chứng cớ. Qua hoạt động này, cô muốn gửi thông điệp đến chế độ cầm quyền tại Việt Nam hiện nay rằng các quan điểm khác biệt là điều rất tự nhiên và tất nhiên, và họ không nên sợ quan điểm khác biệt; rằng, không những thế, khi tôn trọng và khai dụng nó sẽ mang đến những lợi ích thiết thực cho toàn thể dân tộc; rằng việc bắt bớ bỏ tù hàng trăm người bắt đồng chính kiến hiện nay vì tự do ngôn luận là điều vô lý và sai lầm.

Cuộc tranh luận này, cho đến khi viết bài này, được hơn một ngàn rưỡi còm và hơn 11 ngàn người theo dõi.

Theo dõi cuộc phỏng vấn của cô Kiều Ngọc với các thành viên của hai đội Cộng hòa và Dân chủ vào thứ Bảy 26 tháng 9, và cuộc tranh luận diễn ra giữa hai đội vào Chủ Nhật 27 tháng 9, tôi có một số nhận xét sau đây.

Thứ nhất, song ngữ có thể là cơ hội cho tương lai. Chương trình tranh luận được cô Kiều Ngọc điều hợp bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt. Vì thế nên chương trình kéo dài gần 4 tiếng, bao gồm một tiếng giới thiệu thể lệ, các đội và Ban Giám Khảo, và gần 3 tiếng còn lại là cho tranh luận. Nên đã kéo dài gấp đôi thời gian. Nếu có thể rút gọn lại còn hai tiếng cho toàn chương trình thì dễ theo dõi hơn. Nhưng ngoài vấn đề thời gian thì quả thật đây là cơ hội tốt để cho nhiều người Việt, nhất là các bạn trẻ Việt Nam lớn lên tại hải ngoại cũng như các bạn tại Việt Nam hiện nay, tích cực tham gia thảo luận vào nhiều đề tài khác nhau đối với những gì họ quan tâm hay với các đề tài liên quan đến Việt Nam. Khi không có trao đổi thảo luận thì khó thể nào có sự chia sẻ, cảm thông và nối kết. Ngôn ngữ là trở ngại, nhưng khi có một thông dịch viên giỏi thì “sự thất thoát trong phiên dịch” (lost in translation) được giảm thiểu, sự thấu hiểu vấn đề và qua đó muốn trao đổi gia tăng. Ngôn ngữ, bằng tiếng Việt hay Anh, không nên là cản trở để thế hệ trẻ trong và ngoài Việt Nam cùng thảo luận với nhau. Đây quả là một cơ hội để bao nhiêu chương trình ý nghĩa tương tự trong tương lai có thể diễn ra, để các tiếng nói chân chính, tri thức và chuyên môn được phổ biến rộng rãi giữa nhiều thế hệ Việt Nam khác nhau cùng thao thức và chia sẻ chung..

Thứ hai, Ban Giám Khảo giữ vai trò trung lập. Ban Giám Khảo kỳ này đều là những người có khả năng và chuyên môn cao. Người thứ nhất là ông Ashok Sajjanha, từng là đại sứ của Ấn Độ tại Kazakhstan, Thụy Điển và Latvia, và đã làm việc tại các vị trí ngoại giao ở Washington DC, và nhiều nơi trên thế giới. Người thứ nhì là trạng sư Edward Stratton-Smith, gần đây ông được bổ nhiệm làm Thành viên Thường trực của Tòa án Hành chính và Dân sự Nam Úc. Người thứ ba là Nữ diễn viên, kiêm ca sĩ Mỹ, cô Emily Marie Palmer, từng theo học chuyên ngành Lãnh đạo Quốc gia tại Đại học George Wythe nhưng sau đó chọn đi theo con đường trình diễn. Và sau cùng là luật sư Nguyễn Văn Thân, từng là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang New South Wales, Úc châu, hiện là thành viên trụ cột của Ủy Ban Yểm Trợ Nhân Quyền. Trong phần góp ý với cả hai đội sau cuộc tranh luận, cả bốn vị đều chứng minh tính khách quan, chuyên môn và khả năng phân tích khéo léo của mình để giúp cho cả hai đội chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ sau.

Thứ ba, tinh thần tranh luận tích cực giữa hai bên. Tôi cho rằng đây là sự thành công lớn và cần thiết nhất hiện nay. Rất nhiều người lo lắng rằng không khéo, cuộc tranh luận trở thành tranh cãi hay, tệ hơn, sỉ vả bôi nhọ vu khống nhau. Nhiều người lo rằng sự thiếu vắng văn hóa tranh luận giữa người Việt, trong lẫn ngoài nước, sẽ khó thể nào có được tinh thần tranh luận đúng nghĩa trong bất cứ sinh hoạt nào. Những quan ngại này, tuy chính đáng, nhưng đã được giải tỏa sau khi cô Kiều Ngọc phỏng vấn hai bạn Khoa Lê và Phước Nguyễn của đội Dân chủ, và Hùng Phạm và Ái Liên của đội Cộng hòa. Qua hỏi đáp, người theo dõi cũng biết được rằng cả hai đội hiểu rõ tinh thần tranh luận giữa hai bên là thể hiện khả năng lý luận dựa trên chứng cớ mà qua đó thuyết phục Ban Giám Khảo và người quan sát các luận điểm của mình. Hai đội cho thấy sự thấu hiểu vấn đề này và mục tiêu không phải là để thắng thua mà để làm sao thuyết phục bằng biện luận của mình. Không những thế, trong suốt cuộc tranh luận vào Chủ Nhật, tuy có những lúc cũng nhiều cảm xúc và hăng say trong thái độ hoặc ngôn từ, các thành viên hai đội đều biết kiềm chế và có sự tương kính khi tranh luận.

Tôi đã liên lạc riêng với cô Kiều Ngọc để tìm hiểu thêm các suy nghĩ của cô xoay quanh các cuộc tranh luận này. Tôi hỏi làm cách nào cô tổ chức được một buổi sinh hoạt ý nghĩa để tạo tiền lệ cho các sinh hoạt lành mạnh như thế trong tương lai? Cô cho biết phương án thực hiện của cô dựa trên ba điều căn bản. Một, luật lệ tranh luận rõ ràng, từ hình thức đến quy trình tranh luận đến thời gian mỗi bên có được, từ phần mở đầu, kiểm tra (cross examine), phản biện (rebuttal) và kết luận, đều được trình bày rõ ràng cho các đội. Hai, cô cho biết hai bên cần nộp cho Ban Tổ Chức mọi chứng cớ hai bên sử dụng trong tranh luận để kiểm tra, để bảo đảm nó không phải là tin giả hay dữ liệu không khả tín; ngoài ra, Ban Tổ Chức cho biết nếu mạ lỵ, vu khống diễn ra, dù hình thức nhẹ nhất, cũng bị cảnh báo, và nếu vi phạm ba lần thì người đó sẽ bị loại khỏi vòng thi. Ba, luật lệ và quy trình rõ ràng cũng chưa đủ. Cô cho rằng đề cao lẽ phải, lương thiện, thành thật nhưng thuyết phục trong tranh luận là yếu tố mà cô nhắm đến. Và cô tin rằng thế hệ trẻ hôm nay, hay nói chung bất cứ ai muốn, đều có thể học hỏi và trau dồi tinh thần này để cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề, và nhìn thấy nhiều khía cạnh của vấn đề, chứ không độc quyền cho mình là chân lý sự thật, rồi đi bóp nghẹt tiếng nói của người khác.

Có lẽ trong tương lai tôi sẽ mời cô Kiều Ngọc dành một cuộc trò chuyện riêng về các vấn đề này và các dự án cô đang có trong thời gian tới.

Quý bạn đọc muốn tìm hiểu về cuộc tranh luận vừa qua, hoặc theo dõi hai cuộc tranh luận còn lại, có thể vào Facebook của cô Kiều Ngọc để biết thêm.​

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG