Hôm 5/5, một tòa án ở Tiền Giang tuyên phạt Facebooker Trần Hoàng Huấn 8 năm tù và 3 năm quản chế vì viết bài “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”.
Với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật hình sự 2015, Trần Hoàng Huấn, 34 tuổi, bị cho là đã có hành vi viết, đăng tải tổng cộng 186 bài viết, dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân “Huan Tran” với nội dung như trên trong thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2022, theo cổng thông tin Công an tỉnh Tiền Giang.
Trang này dẫn cáo trạng cho biết, ngoài việc đăng tải 60 bài viết, dòng trạng thái “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, Huấn còn đăng 21 bài viết, dòng trạng thái “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”...và đăng các thông tin có nội dung “đả kích, bôi nhọ chế độ, phủ nhận thành quả Cách mạng và xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Facebooker Trần Hoàng Huấn bị chính quyền bắt giữ vào ngày 4/8/2021.
Chính quyền cho rằng “mọi người dân đều có quyền tự do thể hiện quan điểm, chính kiến cá nhân”, nhưng nhấn mạnh thêm rằng “cần phải tỉnh táo để không bị kẻ xấu lôi kéo, kích động làm điều vi phạm pháp luật, để rồi biến mạng xã hội facebook thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc....”
Các hình ảnh trên đài truyền hình ANTV của Bộ Công an cho thấy phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Huấn diễn ra không có sự hiện diện của luật sư bào chữa.
Việt Nam gần đây bắt giam và tuyên án tù dài hạn đối với những người sử dụng Facebook nêu quan điểm trái ngược với quan điểm của chính quyền.
Cũng với cáo buộc tương tự, hôm 14/4, một tòa án ở Quảng Ngãi đã tuyên phạt Facebooker Lê Văn Quân 10 năm tù giam vì đăng tải trên Facebook các thông tin có nội dung “xuyên tạc uy tín, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa; vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”.
Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2022 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới vừa được công bố vào đầu tuần này, Việt Nam xếp hạng 174 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù tiến hơn một bậc so với những năm trước đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới, tức danh sách đỏ của bảng Chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí “rất tồi tệ”.
Trong khi các tổ chức nhân quyền quốc tế liên tiếp chỉ trích việc Hà Nội kiểm soát chặt truyền thông và những hạn chế về tự do biểu đạt cả trên mạng lẫn thực tế, chính quyền nói rằng “tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến””, mà chỉ “bắt giam và xét xử những ai vi phạm pháp luật.”