Đường dẫn truy cập

Trận Bão Thế Kỷ


Nạn nhân bão Philippines xếp hàng chờ lãnh gạo tại thành phố Tacloban.
Nạn nhân bão Philippines xếp hàng chờ lãnh gạo tại thành phố Tacloban.
Mấy hôm nay, tôi đang ngất ngư với “cúm” Khi bị cảm cúm tôi hay có cảm tưởng như có bão đi vào nhà, rồi len lỏi vào trong cơ thể mình. Bão thổi tung cái bộ xương bé nhỏ của tôi bay đi mỗi nơi một cái. Cái đầu thì bay lên tận trần nhà, chân tay, cái xuống bếp, cái bay ra cửa sổ. Văn chương thơ phú cũng xào xạc như lá cuối thu trong vườn.

Tôi bị cúm đúng lúc trận bão Haiyan tấn công vào miền trung đất nước Phi Luật Tân. Là người Việt, ngay từ khi mới lớn tôi đã thuộc lòng câu hát về miền Trung nước tôi: “Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Trời hành, Trời làm cơn lụt mỗi năm khiến đau thương lan tràn….”- Phạm Đình Chương

Lụt bão ở miền Trung nước Việt vào tháng 11 tháng 12 là chuyện xẩy ra hằng năm không sao tránh được. Sau trận bão là những mất mát, đói, bệnh tật tiếp theo, khiến dân miền trung Việt đã nghèo khó lại nghèo khó thêm.

Giống như người dân miền trung Việt Nam, người dân đảo Phi Luật Tân họ trưởng thành và sống chung với gió bão. Nhưng trận bão Hayan ở niềm trung nước Phi Luật Tân trong tháng 11 năm nay thì đúng là một “Trận Bão Thế Kỷ”

Những ngôi nhà tan ra như những chiếc lá bị tuốt khỏi cành. Cả thành phố biến thành bình địa. Bão đã cày bằng nhà cửa, thánh đường, trường học, cao ốc như lưỡi cầy đi qua cánh đồng, không để lại một gốc rạ. Mắt bão đi qua thành phố, kéo theo bao sinh mạng con người. Làm sao tìm ra con, làm sao tìm ra mẹ, cha già đâu rồi? Vợ chồng bị lôi mỗi người một ngả thật xa, ra hai đầu thành phố, hay hai góc biển. Ai sống sót hay tất cả đều đã chết?

Những phóng viên tường trình lại: xác người la liệt trong thành phố, hay bên dưới những ngôi nhà đổ nát. Những con người sống sót, thất thểu, kinh hoàng đi như những thây ma trong phim ảnh. Thành phố trống toác, không một bóng cây còn lại, trống đến có thể nhìn thấy cả núi từ thật xa. Trông kinh hoàng hơn cả một thành phố vừa bị dội bom.

Mắt bão, cái danh từ thật lạ lùng. Con ngươi của mắt bão là một khoảng trời trống, bọc một lớp mây dầy chung quanh nó, làm con mắt trông càng kinh sợ. Con mắt này do nước biển bốc hơi và không khí chung quanh tụ lại, rồi trái đất quay tròn mang nó tới. Khi nó xuất hiện, coi bộ hiền lành lắm, người ta chưa thấy gì cả, lúc nó đi qua mưa gió mới nổi lên. Mắt bão càng rõ rệt thì mưa gió càng mạnh. Những người sống ở gần biển vùng nhiệt đới có nhiều kinh nghiệm với con mắt này.

Thường khi bão thổi vào đất liền là giảm xuống cơn thịnh nộ. Nhưng cái quê hương của những người dân hiền lành này lại là một nước quần đảo. Nên bão cứ len lỏi ra biển, vào bờ, hoành hoành hết đảo này sang đảo khác và hình như mỗi lần chuyển đảo cơn bão lại tăng sức mạnh lên.

Khốn khổ thay những nạn nhân của bão. Họ chạy được vào trung tâm tạm trú thì lại bị bão đuổi theo. Sức gió mạnh như sức của máy bay phản lực cất cánh có thể quét bằng cả những ngôi nhà gạch bê tông cốt sắt, nên họ lại bị nạn lần thứ hai nặng hơn ngay ở nơi trú nạn này.

Cả miền trung nước Phi Luật Tân hầu như bị san bằng. Những xác tầu khổng lồ nằm chênh vênh giữa lòng thành phố, trong khi thành phố không còn lại một nóc nhà hay một cọng cỏ. Gió bão mạnh đến nỗi, những đứa bé bị gió bão lôi ra khỏi tay cha, lôi ra khỏi lòng mẹ. Hai mảnh thân xác bị kéo ra giữa hai đầu cơn gió.

Con số người chết có thể trên 10,000.người. Đó mới là ước đoán sơ khởi của Red Cross. Có nhiều ngôi làng hoàn toàn bị hủy diệt trong bão chưa thể kiểm chứng vì không liên lạc được.

Trên đài VOA, trong mục Thế Giới Qua Ảnh ngày 12 tháng 11 là một tấm hình làm người xem phải ứa nước mắt. Thành phố Tacloban là nơi bị bão Haiyan nặng nhất, thuộc miền trung Phi Luật Tân. Hình chụp trên một bãi đất trống sát biển, cây cối đều gục ngã, cành thì trơ xương, không thấy một nóc nhà nào sót lại, nước còn loang đến mắt cá chân của bốn người đàn ông mặc quần áo trắng đang lom khom làm công việc cho xác các nạn nhân vào những chiếc túi đen. Tôi đếm qua trên hình, thấy gần hai trăm cái túi xếp cạnh nhau làm thành hai dẫy vòng cung lớn, thêm ba hàng nữa trong vòng. Hình chụp trong ánh mờ mờ sương không biết là sáng hay chiều. Nhưng trong cái ánh sáng yếu ớt đó, nước còn lênh láng dưới mặt đất soi bóng một thân cây gẫy ngang, xa xa một người đàn ông nữa đang đi về phía biển. Ở bên phải tấm hình, có những cái thanh sắt, rơi ngang, rớt dọc của một cái lều nào đó trông như vừa dựng lên lại bị gió bão kéo giật đổ xuống.Tấm hình nói lên tất cả cái đau thương của một trận bão kinh hoàng. Tôi ngâm ngùi tự hỏi: Không biết có trọn một gia đình nào: vợ chồng, con cháu, ông bà, được xếp nằm cạnh nhau?

Những người sống sót sau bão đang lâm vào một tình trạng bi thảm nhất. Bệnh viện không còn, không thuốc men, không nước. Các bác sĩ thiện nguyện nói: Người ta không thể sống sau 4 ngày không có nước uống. Trẻ em và người già bị háo nước (dehydrated), chết mau hơn nữa. Không có nước sạch uống, dễ sinh ra tiêu chảy và mất nước (diarrhea và dehydration), thêm vào đó, nước đọng và sống chen chúc trong tình trạng thiếu vệ sinh, sinh sản thêm ruồi muỗi dễ dàng và những bệnh sốt rét (malaria), dịch tả (cholera) sẽ đến theo.

Thành phố sau cơn bão, không nước sạch, không thực phẩm, thuốc men, người sống ở chung với các xác chết dưới những đổ nát, chưa kịp mang đi. Có người kêu lên: “Tồi tệ hơn địa ngục.”

Cứu trợ đổ xuống phi trường nhưng có nơi vì một trở ngại nào đó, đồ tiếp viện không thể chuyển tới ngay được.

Tôi không phải là thuyền nhân, nhưng được nghe kể lại về cái tâm của người Phi:

Dân Phi ở những đảo nhỏ hiền lành và nghèo khó, sống trong những căn nhà lụp xụp, thiếu thốn. Khi thuyền nhân Việt trôi giạt vào đó, đã được người địa phương này che chở san sẻ lương thực và bao bọc. Người Việt thuyền nhân không ai không mang ơn những người dân biển nghèo nhưng chất phác hiền hòa này. Dân chài Phi luôn luôn đối diện với bão. Khi bão tới họ không có gì còn lại. Không điện, không thức ăn, không thuốc men và không cả cứu trợ. Bão đi qua, họ lại tự hồi sinh lấy. Những con người khó nghèo đó họ đã mở lòng ra cưu mang người Việt Nam trong cảnh hoạn nạn không một chút do dự.

Luật Sư Trịnh Hội đã ghi xuống trong Blog của anh:

Nước Philippines là nơi đã cưu mang, bảo bọc gần 500,000 người tỵ nạn từ Đông Dương trong đó phần lớn đến từ Việt Nam, chuyển tiếp ở hai trại tỵ nạn Bataan và Palawan trong suốt gần 3 thập niên. Từ cuối thập niên 1970 cho đến cuối thập niên 1990.

Và có gần 3,000 thuyền nhân Việt Nam cuối cùng đã không bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam, được ở lại tạm trú cho đến lúc họ được các nước Úc, Mỹ, Na Uy và Canada nhận định cư chỉ cách đây vài năm về trước.

Luật Sư Trịnh Hội (*) và một số tình nguyện viên Việt-Phi sẽ sang Phi cứu trợ, đi vào những vùng xa vùng sâu nơi không phải là trung tâm bão nhưng mức tàn phá cũng rất nặng nề.

Trận bão Haiyan làm 921,200 người không còn chốn dung thân và ảnh hưởng tới gần 12 triệu người dân Phi.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho những nạn nhân đã qua đời và cùng nhau giúp đỡ những người sống sót trong khả năng vật chất và sự xúc động của chính trái tim mình.

Cơn bão cảm cúm của tôi bây giờ chỉ là một hạt cát trong sa mạc Sahara. Có lý nào tôi than vãn nữa.

Trần Mộng Tú
14/11/2013
Nguồn: CNN, VOA, Người-Việt, Blog Trịnh Hội.

(*) Blog Trịnh Hội trên VOA, cung cấp địa chỉ gửi tiền cứu trợ.
  • 16x9 Image

    Trần Mộng Tú

    Trần Mộng Tú, nhà văn, nhà thơ. Hiện sống và viết ở Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Nguyên chủ bút nguyệt san Phụ Nữ Gia Đình (California, USA). Đã xuất bản 9 tác phẩm gồm thơ, truyện ngắn, và tản văn. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1975.

XS
SM
MD
LG