Khả năng trẻ em nhiễm virus corona không khác gì với người lớn mặc dù số ca trẻ em bị nặng ít hơn người lớn nhiều, một bác sĩ nhi đồng tại Mỹ khuyến cáo trong lúc nước Mỹ ghi nhận số trẻ em mắc Covid-19 tăng đột biến.
Mới đây, học khu hạt Cherokee ở tiểu bang Georgia phải tạm thời đóng cửa một số trường học và yêu cầu 925 người phải cách ly vì ghi nhận 59 ca nhiễm virus corona ở học sinh và giáo viên chỉ một tuần lễ sau khi mở cửa cho học sinh đến lớp.
‘Trẻ em không miễn nhiễm’
Trong hai tuần lễ cuối tháng 7, có hơn 97.000 trẻ em trên khắp nước Mỹ xét nghiệm dương tính với virus corona, theo một phúc phúc trình của Viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội các Bệnh viện Nhi đồng được hãng tin Bloomberg dẫn lại.
Con số này tương đương mức tăng 40%. Độ tuổi trẻ em được tính đến trong phúc trình này dao động tùy theo cách tính mỗi bang, với đa số các bang tính các em dưới 14 tuổi còn bang Alabama tính đến 24 tuổi.
Các bang như California, Florida và Arizona có số lượng trẻ em dương tính nhiều nhất nước Mỹ với mỗi bang có hơn 20.000 ca, theo phúc trình này. Nếu xét theo tỷ lệ trên dân số thì Arizona đứng đầu với trên 1.000 ca mắc trên tổng số100.000 trẻ em, nhiều hơn gấp đôi tỷ lệ toàn quốc là 447.
Bác sĩ nhi đồng Nguyễn Đặng Lam Sơn đang hành nghề tại thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia, nói việc một số người mặc định ‘trẻ em dưới 10 tuổi không nhiễm virus corona’ là ‘không chính xác’.
Tuy nhiên, ông cho rằng trẻ em khi nhiễm thì ‘ít bị nặng hơn người lớn nhiều’, nhất là so với những người lớn tuôỉ đã sẵn có bệnh lý nền trong người.
“Cái nguy hiểm là ví dụ nếu một đứa trẻ đi học bị nhiễm thì hoặc là không có triệu chứng gì hết hoặc là triệu chứng rất nhẹ như ho, sổ mũi chút xíu, nhưng nếu có một người ở nhà như ông nội, bà nội hay cha mẹ có thể bị lây qua đứa bé,” ông phân tích.
“Cho nên đối với mọi người đều phải cẩn thận cho dù là trẻ em hay người lớn,” ông nói. “Nhất là các em sắp đi học trở lại. Tốt nhất là vẫn phải đeo khẩu trang. Khi đi học hay về nhà đều phải rửa tay rất kỹ để đỡ lây.”
Về lý do trẻ em có hệ miễn dịch tốt hơn người lớn tuổi nhưng vẫn có thể bị nặng và thậm chí tử vong vì Covid-19, bác sỹ Sơn giải thích là do hệ miễn nhiễm của trẻ em ‘phản ứng trước virus gây viêm quá nhiều, viêm hoàn toàn cơ thể’.
“Viêm như vậy ảnh hưởng vô những cái như là mạch máu hay vô tim đứa bé thì rất nguy hiểm,” ông nói.
‘Tùy tình hình để cho đi học lại’
Bác sĩ Lam Sơn khuyên rằng nếu trẻ em nào ‘bị sốt 4-5 ngày liên tục, tròng trắng mắt bị đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ, cổ tay cổ chân bị phồng lên thì phải đi khám ngay để xem nếu bị viêm do Covid thì phải nhập viện để bác sĩ chăm sóc’.
Hiện ở Mỹ đã có 86 trẻ em đã tử vong do virus corona, trong tổng số hơn 160.000 người chết cho đến nay.
Về việc nên hay không cho trẻ đến lớp trong mùa tựu trường sắp tới, bác sĩ Lam Sơn dẫn lời Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm Hoa Kỳ, rằng ‘phải tùy từng nơi mà quyết định cho phù hợp’.
“Phải coi là có bao nhiêu ca ở vùng đó thì mới quyết định, chẳng hạn như những tiểu bang như Florida hay Arizona thì không thể sánh với New York bây giờ,” bác sĩ Sơn giải thích.
“Sau khi mở cửa cho học sinh đến lớp trở lại thì xem có ca tăng lên hay không, ví dụ như bang Georgia đã phải đóng cửa lại trường học chỉ sau vài ngày vì có học sinh nhiễm,” ông nói thêm.
“Trong trường học rất đông người thì khó đứng cách nhau 2 mét, nhất là khi đi từ lớp học này qua lớp học kia. Nếu trong trường học có cả ngàn đứa học sinh thì rất khó,” ông giải thích.
Giải pháp vị bác sĩ chuyên khoa nhi này cho là hợp lý là chia một số học ở nhà và một số đến lớp luân phiên nhau. “Như vậy mỗi lần học trong trường sẽ đỡ đông, đỡ bị nhiễm bệnh,” ông nói.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy các trẻ em dưới 5 tuổi dương tính Covid có lượng virus nhiều hơn người lớn, theo CNN. Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi về vai trò của trẻ em trong việc làm gia tăng lây nhiễm.
Tuần trước, một bé trai 7 tuổi không hề có bệnh sẵn đã trở thành nạn nhân Covid nhỏ tuổi nhất ở Georgia. Tại Florida, số trẻ em vị thành niên tử vong vì Covid hiện là bảy ca.