Đường dẫn truy cập

Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực ngày thứ 50, gia đình gửi thư khẩn


Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức tại một sự kiện ở Singapore trước khi bị bắt giam.
Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức tại một sự kiện ở Singapore trước khi bị bắt giam.

Đại diện gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức nói không muốn ông 'bỏ mạng' vì tuyệt thực nhưng sẽ ủng hộ và đồng hành với quyết định của ông

Gia đình tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức vừa gửi thư khẩn cấp yêu cầu nhà chức trách Việt Nam xác nhận thông tin ông Thức phải nhập viện ở thành phố Vinh sau gần 50 ngày tuyệt thực.

Mặc dù chưa nhận được xác nhận thông tin từ phía trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, nơi ông Thức đang bị giam cầm, nhưng theo đánh giá của ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, thì khả năng này là rất cao, dựa trên tình trạng sức khoẻ mà theo lời ông Tân là “đã suy kiệt lắm rồi” khi ông trực tiếp đi thăm gặp anh trai vào ngày 9/1.

“Anh Thức rất yếu và vẫn còn đang tuyệt thực đến ngày thứ 47 vào thứ Bảy tuần rồi. Sức khoẻ anh rất yếu. Cán bộ đưa anh đi bộ ra chút xíu thôi mà anh đã phải ngồi xuống thở dốc, rồi nghỉ một chút mới có thể nói chuyện tiếp. Anh cho biết cân nặng đã giảm xuống chỉ còn 58 kg”.

Theo mô tả của ông Tân, với chiều cao gần 1,75 m, tình trạng sụt cân trên khiến cơ thể ông Thức chỉ “còn toàn xương”, thường xuyên bị hạ đường huyết.

“Trong trại, hai lần anh bị choáng té, suýt đập đầu vào bệ trường xi măng, rất nguy hiểm”, ông Tân cho VOA biết thêm.

Kỹ sư - Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị chính quyền Việt Nam bắt vào tháng 5/2009 với tội danh lúc đầu là “trộm cắp cước điện thoại”, sau đó ông bị cáo buộc hoạt động chính trị nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”.

Trong phiên toà xét xử cùng với LS. Lê Công Định, ông Nguyễn Tiến Trung và ông Lê Thăng Long vào ngày 20/1/2010, ông bị tuyên án nặng nhất, lên đến 16 năm tù giam và bị tịch thu một phần tài sản.

Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu và các tổ chức nhân quyền trên thế giới nhiều lần lên tiếng chỉ trích và bày tỏ quan ngại về hình phạt nặng nề mà Hà Nội dành cho ông Thức và các nhà hoạt động khác chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hoà.

Trong thời gian ở tù, ông Thức nhiều lần tuyệt thực để đấu tranh đòi hỏi quyền con người và thượng tôn pháp luật. Lần tuyệt thực mới nhất bắt đầu từ ngày 24/11/2020, đến nay đã bước sang ngày thứ 50.

“Gia đình cũng khuyên và chuyển lời của ba, của gia đình và mọi người bên ngoài nói anh ngưng tuyệt thực đi, nhưng anh Thức nói anh sẽ không dừng lại cho tới khi nào toà án trả lời đơn yêu cầu của anh”, ông Tân nói với VOA.

Theo lời ông Tân, anh trai ông trước đó đã hai lần gửi đơn, vào tháng 7/2018 và tháng 8/2020, yêu cầu toà án phải “tuân thủ pháp luật”, thực hiện theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 đang hiện hành.

“Anh Thức và các luật sư của anh phân thích rằng tội của anh phải được áp dụng theo khoản 3, Điều 109, là ‘chuẩn bị phạm tội’. Và như vậy, mức án tối đa chỉ có 5 năm thôi, mà bây giờ anh Thức đã thụ án gần 12 năm rồi”, ông Tân cho biết.

Tuy nhiên đến nay, toà án tại Việt Nam vẫn không hồi đáp bất cứ lá đơn nào của ông Thức, trong đó yêu cầu toà phải xem xét và áp dụng quy định của bộ luật hiện hành cho trường hợp của ông, nghĩa là miễn thời gian phạt tù còn lại và trả tự do cho ông ngay lập tức.

Đánh giá khả năng toà án “xuống nước” để hồi đáp đơn yêu cầu của ông Thức là “rất thấp”, ông Tân cho biết gia đình đang rất lo lắng cho khả năng “sống sót” của ông Thức và hoàn toàn không muốn ông phải “bỏ mạng” trong lần tuyệt thực này nên đã nhiều lần khuyên ông ngưng tuyệt thực, đặc biệt trong lần thăm gặp mới nhất.

“Anh Thức rất hiểu chuyện đó, nhưng anh nói anh quyết định rồi. Anh có niềm tin và đã quyết định rất cứng rắn là tiếp tục việc tuyệt thực này. Do vậy, nói gì thì nói, gia đình cũng phải ủng hộ việc tuyệt thực của anh, đồng hành để đấu tranh, kêu gọi công lý cho anh”, ông Tân nói thêm.

Trong thời gian bị giam cầm, ông Thức đã nhiều lần từ chối đi Mỹ định cư, từ chối nhận tội để đổi lấy lệnh đặc xá và kiên quyết đấu tranh.

“Nếu quyết định đi thì có thể anh đã được đi lâu rồi. Nhưng anh kiên định ở lại đấu tranh về pháp lý, (yêu cầu) chính quyền phải trả tự do cho anh đúng theo luật pháp ở đây quy định”, ông Tân chia sẻ với VOA về quyết định đấu tranh tới cùng của anh trai.

“Điều này không phải anh chỉ đấu tranh cho anh, mà cho cả những người khác cũng bị xét xử án giống như anh”, vẫn theo lời ông Tân.

Một trí thức nổi tiếng ở Việt Nam, PGS-TS. Mạc Văn Trang, trong bài viết hôm 7/1, ca ngợi ông Trần Huỳnh Duy Thức là “một nhân cách cao quý” khi đã vượt lên cái tầm thường, khát khao chấn hưng đất nước, và thà chết không rời bỏ Tổ quốc và trách nhiệm với đất nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG