Đường dẫn truy cập

TQ xác nhận vụ bạo động mới ở Tân Cương khiến hàng chục người chết


Tin trên trang web Weibo về vụ bạo động ở Tân Cương
Tin trên trang web Weibo về vụ bạo động ở Tân Cương

Trung Quốc cho biết hàng chục người đã thiệt mạng sau một vụ tấn công bởi một băng nhóm trang bị dao ở tỉnh Tân Cương bất ổn. Đây là vụ mới nhất trong một chuỗi các vụ tấn công trong khu vực.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết băng nhóm này đã thực hiện các vụ tấn công ở hai thị trấn vào thứ Hai, giết hại cả công dân người Hán lẫn người Uighur. Bài báo cho biết cảnh sát đã bắn trả, giết chết hàng chục kẻ tấn công. Chưa rõ số người bị thương trong vụ bạo động mà bài báo gọi là “vụ tấn công khủng bố có chủ tâm”.

Bắc Kinh đã chờ gần một ngày trước khi chính thức xác nhận vụ bạo động trên truyền thông nhà nước. Trước đó, những người giám sát mạng của Trung Quốc đang thanh lọc các mạng xã hội liên quan đến tình trạng bất ổn.

Một số bài đăng tải cho biết liên lạc điện thoại và Internet bị cắt. Nhưng các cuộc gọi đến huyện Shache hay Yarkant (thuộc Tân Cương) đều thông suốt.

VOA không thể liên lạc được với các giới chức để hỏi và một đồn cảnh sát địa phương ở Shache đã nhanh chóng cúp điện thọai khi nghe nói người gọi là nhà báo hỏi về tình hình ở đó.

Các nguồn tin cho VOA biết quận này đã bị phong tỏa và không ai được phép đi vào.

Một phụ nữ kinh doanh ở Shache cho biết bà có nghe về những chuyện xảy ra nhưng không biết nó có thật hay không. Bà không nói cụ thể, nhưng chỉ đề cập là các đường dây điện thọai trong khu vực bị nghe lén và nhiều cá nhân đã nhanh chóng bị bắt giam với lý do lan truyền tin đồn.

Người phụ nữ trên còn nói thêm rằng bầu khí căng thẳng trong khu vực bất ổn đang ảnh hưởng đến việc kinh doanh trong thời gian gọi là mùa mua bán nhanh. Thứ Ba đánh dấu kết thúc Ramadan, một ngày lễ lớn trong khu vực có nhiều người sắc tộc Uighur Hồi giáo sinh sống.

Tân Hoa Xã, hôm thứ Ba, đăng những hình ảnh những hang dài người Hồi giáo cầu nguyện bên ngòai đền thờ Id Kah lớn nhất Trung Quốc. Ngồi đền nằm ở thành phố Kasghar, cách hàng trăm cây số nơi bạo động được tường thuật đã xảy ra.

Điều mà các bức ảnh không cho thấy là con số lớn các nhân viên an ninh cũng có mặt gần đền thờ.

Bạo động liên quan đến Tân Cương ngày càng tăng lên trong khu vực và lan sang các khu vực khác trong nước. Giới hữu trách đổ lỗi cho các phần tử ly khai Uighur về các vụ tấn công và cảnh báo những phần tử cực đoan tôn giáo trong khu vực đang được sự huấn luyện từ nước ngòai.

Các nhà phê bình nói rằng chính sự kiềm chế nặng tay của chính phủ trong khu vực này cùng với những hạn chế tôn giáo, văn hóa đã gây nên sự bất bình của người Uighur ở Tân Cương.

Trong một phúc trình hàng năm về tự do tôn giáo được công bố hôm thứ Hai, Hoa Kỳ đưa ra những quan ngại về các chính sách của Trung Quốc ở khu vực xa xôi này.

Ông Tom Malinowski, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách về Dân chủ, nhân quyền và lao động nói: “Việc nhắm một cách rộng rãi vào toàn bộ cộng đồng sắc tộc và tôn giáo để đáp trả lại những hành động của một vài người chỉ làm gia tăng những nguy cơ chủ nghĩa cực đoan bạo động”.

Gần 200 người đã bị thiệt mạng vì bạo động đang diễn ra ở Tân Cương và các khu vực khác trong nước trong suốt năm qua. Để ứng phó với vấn đề, chính phủ đã tiến hành một chiến dịch an ninh kéo dài cả năm, tăng cường sự hiện diện quân đội và cảnh sát trong khắp vùng.

Đầu năm nay, chính quyền đã công bố Sách Xanh về chủ nghĩa khủng bố và một danh sách 10 vụ tấn công khủng bố xảy ra trong năm 2013. Bảy trong số các vụ tấn công được liệt kê xảy ra ở tỉnh Kashgar miền nam của Tân Cương, bao gồm một vụ ở một đồn cảnh sát ở Shache vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Trước đây, chính quyền đã nhanh chóng công khai thông tin về các vụ tấn công, bao gồm một vụ ở một khu chợ tại thủ phủ Urumqi đã giết chết ít nhất 31 người vào tháng Năm. Còn lý do tại sao lần này phải mất đến gần 24 giờ thì chưa rõ.

Trong một bài đăng lên và đã bị gỡ xuống, một người sử dụng Weibo với cái tên Glass City đã hỏi tại sao chính quyền lại xóa bài các bài viết nếu một vụ tấn công khủng khiếp đã xảy ra và các cá nhân chỉ tìm cách nói với những người khác về những điều đang xảy ra. Người này hỏi: “Mục đích của việc chặn các thông tin như vậy là gì?”.

Giới hữu trách Trung Quốc có thể đang kiểm sóat chặt chẽ để ngăn chặn bất ổn tràn lan.

Trong năm 2009, một cuộc thảo luận trực tuyến đã đóng vai trò chủ chốt trong việc bùng phát của vụ bạo lọan lớn giữa người Hán và người Uighur tại thủ phủ Urumqi. Giới hữu trách cho biết có khỏang 200 người đã thiệt mạng trong vụ bạo động, nhiều người trong số đó là người Hán.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG