Những khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran còn tồn tại là Trung Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã im lặng về việc mua dầu thô của Iran hôm 2/5 khi lệnh cấm hoàn toàn của Mỹ về việc mua bán dầu với Iran bắt đầu có hiệu lực.
Chính quyền Trump cũng im lặng về hành động có thể xảy ra nếu các nước này tiếp tục mua dầu của Iran từ ngày 2/5 trở đi. Không có một tuyên bố nào về vấn đề này từ Bộ Ngoại giao hay Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Thời hạn miễn trừ trong vòng 6 tháng mà Hoa Kỳ dành cho Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và 5 chính phủ khác để chuẩn bị giảm mức nhập khẩu dầu của Iran xuống 0% hết hạn vào ngày 1/5.
Trong một tuyên bố ngày 22/4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng sẽ không có quốc gia nào được bất kỳ miễn trừ nào về chế tài của Hoa Kỳ đối với ngành công nghiệp dầu khí Iran vào tháng 11 năm ngoái.
Chế tài là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ gây áp lực buộc Iran phải đàm phán một thỏa thuận mới nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân bị cáo buộc và các hành vi nguy hại khác.
Iran nói chương trình hạt nhân của họ chỉ có mục đích hòa bình, và họ dự định sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu, nguồn thu chính của quốc gia này, bất chấp chế tài của Mỹ.
Washington đã khuyến khích các khách hàng dầu khí của Iran chuyển sang các nhà sản xuất dầu khí lớn khác như các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh, nơi cam kết sẽ giữ cho nguồn cung thích hợp cho thị trường năng lượng. Ông Pompeo cũng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ thi hành lệnh cấm đơn phương đối với hoạt động buôn bán dầu khí của Iran và cảnh báo rằng việc trả tiền mua dầu thô cho Iran sẽ dẫn đến những “nguy cơ không đáng so với các lợi ích”, ám chỉ khả năng người mua sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.
Phát biểu với các phóng viên hôm 2/5, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói việc đa dạng hóa nguồn dầu mỏ của Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian ngắn “dường như không thể”.
Ông Cavusoglu cho biết các nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ đang chế biến dầu thô của Iran có khả năng xử lý dầu từ Iraq, nhưng không thể từ nhiều quốc gia khác mà ông không nêu tên. Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần phải nâng cấp công nghệ của các nhà máy lọc dầu để nhập dầu từ các quốc gia khác, đòi hỏi các nhà máy lọc dầu phải ngừng hoạt động trong một thời gian.
“Điều này gây tốn kém. Nhưng bạn hãy nhìn đi, quyết định đơn phương của Hoa Kỳ đưa ra đang gây ảnh hưởng xấu đến tất cả mọi người”, ông Cavusoglu nói. “Hoa Kỳ nên xem lại quyết định của mình”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ không cho biết liệu Ankara sẽ tiếp tục mua dầu của Iran trong tương lai hay không.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Iran kể từ khi bắt đầu thời điểm miễn trừ đối với chế tài của Hoa Kỳ. Dữ liệu từ Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này nhập khẩu trung bình 209.000 tấn dầu thô Iran mỗi tháng từ tháng 11 đến tháng 2, bốn tháng đầu của giai đoạn được miễn trừ. Trong 10 tháng trước đó, nước này đã nhập khẩu trung bình 701.000 tấn mỗi tháng, chiếm khoảng 1/5 tổng lượng dầu nhập khẩu trong giai đoạn này.
Trung Quốc, khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran, không đưa ra bình luận nào về việc hết hạn 6 tháng miễn trừ của Hoa Kỳ vào ngày 2/5 đối với việc mua dầu thô của Iran. Nhưng phản ứng ban đầu của họ đối với quyết định không gia hạn miễn trừ của Hoa Kỳ cũng tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc họp báo ngày 24/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Hoa Kỳ. Ông kêu gọi Washington không làm tổn hại việc “hợp tác” chính đáng và hợp pháp của Bắc Kinh với Iran.
Ấn Độ cũng không bình luận vào ngày 2/5. Trên trang Twitter ngày 23/4, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết New Delhi có kế hoạch duy trì nguồn cung dầu thô “thích hợp” cho các nhà máy lọc dầu Ấn Độ, đồng thời nói thêm rằng “Sẽ có thêm nguồn cung từ các nước sản xuất dầu lớn khác”.
Ông Pradhan không nêu tên quốc gia nào hay cho biết liệu nguồn cung bổ sung có thay thế được hoàn toàn dầu thô từ Iran, vốn là nhà cung cấp lớn thứ ba của Ấn Độ một năm trước, hay không.
Truyền thông Ấn Độ cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đã kêu gọi ông Pompeo trong một cuộc gọi điện thoại vào ngày 27/4 là để New Delhi có thêm thời gian nhập khẩu dầu của Iran mà không bị trừng phạt bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ. Ông Swaraj được trích dẫn đã kêu gọi Mỹ “linh hoạt” vì Ấn Độ đang ở giữa cuộc tổng tuyển cử, và muốn rằng chính phủ tiếp theo sẽ đưa ra quyết định mua dầu từ ai.
Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ Iran trước khi kết thúc giai đoạn miễn trừ của Hoa Kỳ. Một bài viết vào ngày 30/4 của Reuters cho thấy cả hai quốc gia đã cắt giảm đáng kể lượng nhập khẩu dầu thô từ Iran trong quý 1, từ tháng 1 đến tháng 3, so với cùng kỳ năm trước, với Trung Quốc giảm 28% và Ấn Độ giảm 40% lượng thùng dầu thô nhập khẩu mỗi ngày.