Đường dẫn truy cập

TQ tham dự cuộc họp chống buôn bán nội tạng của Vatican


Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Huang Jiefu tham dự hội nghị về buôn bán nội tạng do Vatican chủ trì năm 2017.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Huang Jiefu tham dự hội nghị về buôn bán nội tạng do Vatican chủ trì năm 2017.

Việc Trung Quốc tham dự hội nghị của Vatican về chống buôn bán nội tạng cho thấy mối quan hệ đang được cải thiện giữa Bắc Kinh và Giáo hội Công giáo, đồng thời tạo đà cho quan hệ tốt đẹp hơn trong các lĩnh vực khác, Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp Trung Quốc nói hôm 12/3.

Quốc gia Cộng sản Trung Quốc và Vatican không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng các cuộc đàm phán tiến tới một thỏa thuận dấu mốc giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục đang tiến triển, Phó chủ tịch Hiệp hội Công giáo Trung Quốc cho biết hồi tuần trước.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tham gia hội nghị của Vatican trong hai ngày, thứ Hai và thứ Ba. Reuters dẫn nguồn truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp nước này tham gia hội nghị.

“Quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican đang tiến triển. Đó là mối quan hệ giữa hai dân tộc” , Huang Jiefu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc và hiện là người đứng đầu Ủy ban Hiến tạng và Cấy ghép Quốc gia, được Hoàn Cầu Thời Báo trích lời nói.

“Việc giao lưu có lợi cho hòa bình thế giới và cũng có lợi cho người dân của hai bên”, ông Huang cũng là người đã tham dự hội nghị năm ngoái nói. “Nó cũng tạo đà tốt để mở rộng liên hệ ra bên ngoài lĩnh vực y tế, văn hóa và các lĩnh vực khác”.

Năm ngoái, Trung Quốc giảm nhẹ tầm quan trọng của việc nước này tham dự hội nghị, nói rằng điều đó không liên quan gì đến mối quan hệ hai chiều.

Tờ Hoàn Cầu cho biết vào cuối ngày Chủ nhật rằng tại hội nghị, Trung Quốc sẽ trình bày những nỗ lực chống lại nạn buôn bán nội tạng và tiến bộ trong hiến tạng và cấy ghép.

Trong nhiều năm qua, buôn bán nội tạng là một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc. Nước này nhiều lần bác bỏ cáo buộc của các nhà nghiên cứu nhân quyền và các học giả rằng nước này cưỡng bức lấy nội tạng của các tử tù.

Vào năm 2015, Trung Quốc chính thức cấm việc sử dụng có hệ thống nội tạng của tử tù.

Dấu hiệu hòa giải giữa Vatican và Trung Quốc đã làm dấy lên một số chỉ trích từ các giới chức Công giáo trong khu vực.

Hồng y Joseph Zen, cựu giám mục thẳng tính của Hồng Kông, nói Vatican đã “bán” Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, và cho rằng có sự bất hòa giữa giáo hoàng và các nhà ngoại giao Vatican làm việc với Trung Quốc.

Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, người mà Bắc Kinh xem là đứng đầu một nước ngoài, không có quyền can thiệp vào công việc của Trung Quốc.

12 triệu người Công giáo Trung Quốc bị chia rẽ giữa các cộng đồng “chui” được Đức Giáo Hoàng công nhận và những tín hữu có đăng ký với Hiệp hội Công giáo Yêu nước do nhà nước kiểm soát, nơi các giám mục được chính quyền bổ nhiệm, và được cộng đồng Giáo hội địa phương ủng hộ.

Tuy nhiên, một nguồn tin cao cấp của Vatican hồi tháng Hai nói với Reuters rằng một thỏa thuận giữa hai bên về việc bổ nhiệm các giám mục có thể sẽ được ký kết trong vòng vài tháng.

Thỏa thuận sẽ cho phép Vatican mở rộng sự hiện hữu của giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, nơi mà các Giáo hội Tin Lành đang phát triển nhanh chóng.

Vatican và Bắc Kinh bất hòa với nhau kể từ vụ trục xuất các nhà truyền giáo nước ngoài ra khỏi Trung Quốc sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền năm 1949.

Một nguyên nhân khác là mối quan hệ chính thức của Vatican với Đài Loan, quốc gia mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG